Trung Quốc thúc giục bỏ thuế quan, Mỹ không vội

Trung Quốc (TQ) và Mỹ đang có một số động thái liên quan đến vấn đề thương mại, tuy nhiên triển vọng hai bên nối lại đàm phán và giải quyết được thương chiến không cao.

Trung Quốc muốn Mỹ bỏ thuế quan

Tuần rồi, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai công bố chính sách thương mại Mỹ với TQ, sau tám tháng xem xét của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Phát biểu trước Nhà Trắng, bà Tai cho biết Mỹ sẽ khởi động lại quy trình xem xét miễn thuế quan cho một số mặt hàng bị áp đặt từ hồi Tổng thống Donald Trump.

Sau diễn biến này, phía TQ đã chủ động tiếp cận Mỹ về thương mại. Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc - trưởng đoàn đàm phán thương mại phía TQ đã hai lần điện đàm với bà Tai, cuộc điện đàm thứ hai diễn ra ngày 8-10, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Đại diện Mỹ (do Tổng thống Donald Trump dẫn đầu, phải) và Trung Quốc (do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, trái) trong lễ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi  tháng 1-2020. Ảnh: XINHUA

Việc tăng cường liên lạc và thương lượng là rất quan trọng để quản lý sự khác biệt, tuy nhiên sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến và nhiều lĩnh vực khác sẽ không dừng lại.

Ông YU CHUNHAIPhó Hiệu trưởng Trường kinh tế ĐH Thanh Hoa (TQ), nhận xét về quan hệ thương mại Mỹ - Trung 

Theo thông báo của Văn phòng Thương mại Mỹ, ông Lưu và bà Tai ngày 8-10 đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, “thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại song phương và tác động của mối quan hệ này, không chỉ đối với Mỹ và TQ, mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Trong cuộc điện đàm, bà Tai và ông Lưu đánh giá lại việc thực hiện Thỏa thuận kinh tế và thương mại Mỹ - Trung (còn được biết đến là thỏa thuận giai đoạn 1). Trong bài phát biểu về chính sách thương mại của Mỹ với TQ, bà Tai có nói rằng TQ đã không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 - vốn phần quan trọng tập trung vào các điều khoản TQ tăng mua hàng Mỹ.

Phía Mỹ cũng cho biết bà Tai đã nhấn mạnh quan ngại của Mỹ về các chính sách và các hoạt động phi thị trường do nhà nước TQ chủ trương vốn làm tổn hại quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Hai bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục tham vấn các vấn đề còn tồn đọng.

Phần TQ, Tân Hoa xã cho biết hai bên có cuộc trao đổi “thực dụng, thẳng thắn và xây dựng”, đồng thời xác nhận ông Lưu và bà Tai có bàn chuyện thực thi thỏa thuận giai đoạn 1. Một chi tiết đáng lưu ý, theo Tân Hoa xã, phía TQ đã thúc giục phía Mỹ dỡ bỏ các gói thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp lên TQ, đồng thời cũng giải thích quan điểm về kiểu mẫu phát triển kinh tế của mình.

Mỹ không thỏa hiệp

Khi được hỏi tại sao Mỹ xác định vẫn sẽ tiếp tục gắn kết với TQ về chính sách công nghiệp dù bi quan về khả năng cải cách của TQ, ngày 8-10, một quan chức Mỹ giải thích rằng sự gắn kết này là “nền tảng” của quan hệ thương mại.

“Quan hệ kinh tế Mỹ -Trung - quan hệ thương mại của chúng tôi - thật sự quan trọng và ảnh hưởng đến kinh tế không chỉ hai nước mà cả kinh tế toàn cầu, vì thế chuyện gắn kết với các vấn đề này rất có ý nghĩa” - SCMP dẫn lời quan chức này. Tuy nhiên, quan chức này cho rằng “điều không có ý nghĩa gì là chờ đợi TQ có sự thay đổi, trước khi chúng tôi hành động để bảo vệ người lao động của mình”.

Dù không trả lời thẳng câu hỏi liệu Nhà Trắng có đơn phương áp thêm gói thuế quan lên TQ - như nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 cho phép - hay không, một quan chức Mỹ cảnh báo rằng “mọi phương án đều được cân nhắc và chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích kinh tế của mình”.

Một số quan chức cấp cao Phòng Thương mại Mỹ xem cuộc điện đàm giữa ông Lưu với bà Tai chỉ là một “phép thử” để họ xác định liệu đối thoại trực tiếp với TQ có giúp Mỹ đạt được mục tiêu bảo vệ quyền lợi của mình hay không. Các quan chức này cũng khẳng định rằng bước đi tiếp theo của Mỹ thế nào là tùy vào phản ứng của TQ. Nguyên tắc chính là TQ cần phải tuân thủ các cam kết và phía Mỹ nếu có đối thoại trực tiếp thì cũng vì để buộc TQ phải làm điều này, theo lời một quan chức Mỹ.

Mỹ cũng cho biết mình sẽ không thúc đẩy đối thoại thống nhất thỏa thuận giai đoạn 2. Tuần rồi, một số quan chức cấp cao Mỹ nói họ không trông đợi TQ sẽ có “những cải cách có ý nghĩa” trong các lĩnh vực như chính sách công nghiệp. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực đa dạng thị trường, củng cố quan hệ với các đồng minh và cải thiện, tăng cường sức cạnh tranh của mình.

Trong khi đó, ông Ding Yifan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu phát triển Hội đồng nhà nước TQ, cho rằng các hành động của Mỹ là có yếu tố chính trị chi phối. Cũng theo ông Ding, chính Mỹ chứ không phải TQ mới là bên phải lo lắng, vì các gói thuế quan đã không ảnh hưởng đến chuyện xuất khẩu của TQ, trong khi đó làm gia tăng lạm phát ở Mỹ. Cho rằng TQ đang ở thế tay trên, ông Ding khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đường hướng phát triển của mình.

Ông Yu Chunhai, Phó Hiệu trưởng Trường kinh tế ĐH Thanh Hoa (TQ), đưa ra hướng đi: TQ tăng mua hàng Mỹ để giúp tăng sự tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1 về ngắn hạn, trong khi đó Mỹ tích cực bàn chuyện dỡ bỏ thuế quan trước khi diễn ra cuộc hội đàm trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội đàm trực tuyến trước cuối năm nay.

Về tầm nhìn dài hạn, ông Yu cho rằng TQ sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và môi trường kinh doanh để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài nhưng sẽ không từ bỏ chiến lược phát triển của mình.

Thỏa thuận giai đoạn 1 được thực thi tới đâu?

Theo thỏa thuận giai đoạn 1 được ký hồi tháng 1-2020 và có hiệu lực một tháng sau đó, TQ cam kết mua thêm 200 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong thời gian hai năm 2020-2021, so với mức năm 2017.

Báo SCMP dẫn phân tích của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận phi đảng phái Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE - Mỹ) công bố ngày 27-9 cho thấy thời điểm tháng 8 năm nay, TQ vẫn còn thiếu hơn 30% so với chỉ tiêu mua hàng Mỹ trong năm 2021 theo điều khoản thỏa thuận giai đoạn 1.

Theo báo cáo phân tích của PIIE, từ tháng 1-2021 đến tháng 8-2021, giá trị hàng hóa - dịch vụ TQ mua từ Mỹ chỉ đạt 69% - theo dữ liệu của TQ, còn theo dữ liệu của Mỹ thì chỉ 62%. Cụ thể, từ đầu năm nay cho tới tháng 8, tổng giá trị nhập khẩu từ Mỹ vào TQ là 89,4 tỉ USD so với chỉ tiêu cả năm là 129,9 tỉ USD.

Theo phân tích, giá trị hàng nông nghiệp TQ nhập từ Mỹ tính từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đạt 92% chỉ tiêu theo dữ liệu của TQ và đạt 89% theo dữ liệu phía Mỹ. Giá trị hàng hóa chế biến công nghiệp TQ nhập từ Mỹ trong thời gian này đạt 64% chỉ tiêu theo dữ liệu TQ và 61% theo dữ liệu phía Mỹ. Về giá trị hàng năng lượng nhập khẩu từ Mỹ, TQ chỉ đạt 56% theo dữ liệu của TQ, trong khi theo dữ liệu phía Mỹ thì chỉ đạt 42%.

Trong báo cáo phân tích công bố hồi tháng 2 năm nay, PIIE cho rằng phần lớn thỏa thuận giai đoạn 1 là một sự “thất bại”, sau khi giá trị hàng hóa - dịch vụ Mỹ xuất sang TQ trong năm 2020 chỉ đạt hơn 40% so với chỉ tiêu hai bên thỏa thuận.

Thời điểm tháng 8-2021, thặng dư thương mại giữa TQ với Mỹ là 37,68 tỉ USD, so với 35,43 tỉ USD hồi tháng 7. Trong tháng 8, TQ nhập 14,04 tỉ USD tiền hàng hóa - dịch vụ từ Mỹ nhưng giá trị xuất khẩu sang Mỹ lại tới 51,72 tỉ USD, SCMP dẫn số liệu từ Cục Thống kê quốc gia TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm