Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lắng nghe tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trong lễ khai mạcĐối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 30/5. Ảnh:Reuters. |
"Chúng tôi rất lưu tâm đến các bình luận gần đây của lãnh đạo Nhật Bản, trong đó ông bóng gió nhắc đến các nước khác", Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói.
Ông Tần yêu cầu phía Nhật Bản "đối mặt với lịch sử, tôn trọng sự thật và không kích động thù hằn cũng như đánh lạc hướng dư luận".
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ tối đa cho các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, nhằm đảm bảo an ninh biển, an ninh hàng không, và duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Ông nêu rõ Nhật Bản đã quyết định cung cấp 10 tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Philippines và cũng đẩy nhanh việc cung cấp các tàu tương tự cho Việt Nam.
"Thực tế, Nhật Bản nên làm rõ với cộng đồng quốc tế về những động thái gần đây của họ trong lĩnh vực an ninh quân sự, tuân thủ luật pháp quốc tế và những tiêu chuẩn nền tảng chi phối các mối quan hệ quốc tế trong khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các nước láng giềng", phát ngôn viên Tần Cương nói, nhấn mạnh rằng: "Tokyo nên có những hành động thiết thực hơn giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực".
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn gia tăng quanh chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Trước vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Abe đã bày tỏ quan ngại và lên án hành động đơn phương của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng gay gắt chỉ trích bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Shangri-La, sau khi ông tố cáo Bắc Kinh tiến hành những hành động gây bất ổn nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Theo Anh Ngọc (VNE)