Trung Quốc với con đường tơ lụa mới

Diễn đàn cấp cao quốc tế về dự án “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15-5 là điểm hẹn ngoại giao lớn của Trung Quốc (TQ). AFP ngày 11-5 đã nhấn mạnh như thế qua bài viết với đầu đề “TQ quy tụ thế giới quanh những con đường tơ lụa mới”.

1.600 tỉ USD đầu tư trong 10 năm

Dự án “Vành đai và Con đường” (OBOR) quy tụ 65 quốc gia chiếm 60% dân số thế giới và khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra dự án là mùa thu năm 2013 tại Kazakhstan. Gần đây nhất, ông Tập nêu lên tầm quan trọng của dự án trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hôm 17-1.

Theo báo chí TQ, qua dự án “Vành đai và Con đường”, ông Tập muốn khai thông trở lại các luồng thương mại trên bộ và trên biển của con đường tơ lụa ngày xưa giữa châu Á và châu Âu, đồng thời kéo dài đến Trung Đông và châu Phi.

Mục đích nhằm kích thích các nước tham gia dự án cùng phát triển, hỗ trợ các nước thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa và tham gia toàn cầu hóa. Phương tiện để đạt mục tiêu là cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng, đồng thời tạo điều kiện cho con người lưu thông thuận lợi.

Dự kiến khoảng 1.600 tỉ USD sẽ được đầu tư trong vòng 10 năm vào dự án đầy tham vọng này.

Các đối tác tài chính gồm Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Quỹ Con đường tơ lụa, Quỹ vàng Con đường tơ lụa, Ngân hàng Xuất nhập khẩu TQ, Ngân hàng Phát triển TQ, Ngân hàng Trung ương TQ, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Ngân hàng Phát triển mới của khối BRICS.

Dự án “Vành đai và Con đường” nối Trung Á và Đông Á. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Ví dụ: Hành lang kinh tế từ Tân Cương ở biên giới TQ chạy qua Pakistan đến Ấn Độ Dương đã cần khoản vốn đầu tư 46 tỉ USD, trong đó 2/3 vốn (33,7 tỉ USD) dành cho các dự án về năng lượng (đập, nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời…). Phần còn lại được dùng để phát triển đường sắt (7,6 tỉ USD), đường bộ (3,6 tỉ USD) và quy hoạch cảng nước sâu ở Gwadar (660 triệu USD).

Theo Bộ Thương mại TQ, từ năm 2014 đến 2016, khối lượng giao dịch giữa TQ với các nước dọc dự án đã đạt 20.000 tỉ nhân dân tệ (2.900 tỉ USD). Các doanh nghiệp TQ đã xây dựng 56 khu vực hợp tác kinh tế và thương mại ở 20 nước với vốn đầu tư hơn 18,5 tỉ USD.

Xuất khẩu hàng thặng dư?

Nhiều nước láng giềng của TQ như Thái Lan, Philippines đã lo ngại chính sách bành trướng khu vực của TQ qua dự án “Vành đai và Con đường”. Nga và Ấn Độ cũng không mặn mà vì e ngại TQ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á.

Vì lẽ đó, diễn đàn quốc tế về dự án “Vành đai và Con đường” ngày 14 và 15-5 nhằm giải tỏa lo ngại kể trên. TQ cũng đã khéo léo sử dụng cụm từ ngữ “hợp tác cả hai cùng thắng” trong thông tin tuyên truyền với hàm ý đây không phải là dự án do TQ áp đặt mà là sáng kiến có phần đóng góp của các nước tham gia.

Theo báo Les Échos (Pháp), TQ khai thác dự án “Vành đai và Con đường” nhằm tìm kiếm đầu ra mới ở các thị trường mới nổi để xuất khẩu sản phẩm thặng dư do cung vượt quá cầu (như than, thép, nhôm) để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh sản xuất nội địa giảm tốc. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vĩ đại sẽ ngốn một lượng xi măng và sắt thép rất lớn.

TQ cũng mong muốn thúc đẩy các tỉnh nghèo ở miền Tây phát triển. Ngoài ra, TQ cũng nhắm đến mục đích mở cửa ngõ tiếp cận các nguồn năng lượng cần thiết.

GS Francis Fukuyama ở ĐH Stanford (Mỹ) nhận xét: “Sự kiện này đã đánh dấu thay đổi cơ bản trong chính sách đối ngoại của TQ. Lần đầu tiên TQ tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển”.

Chuyên gia Alice Ekman ở Viện Quan hệ quốc tế Pháp đánh giá TQ muốn biến sức mạnh kinh tế thành sức mạnh địa-chính trị. Bà ghi nhận: “Dự án “Vành đai và Con đường” là trục quan trọng trong chính sách đối ngoại của TQ… và là công cụ phục vụ cho ý chí tái cấu trúc quyền lực lãnh đạo thế giới”.

Tân Hoa xã cho rằng diễn đàn quốc tế về dự án “Vành đai và Con đường” là sự kiện tiếp nối Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh vào tháng 11-2014 và Hội nghị cấp cao G20 tại Hàng Châu vào tháng 9-2016.

Dự kiến có hơn 1.200 đại biểu của 110 nước tham dự, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo của nhiều nước châu Phi, Nam Mỹ, gần 300 bộ trưởng và lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây không tham dự do diễn đàn khai mạc gần như cùng lúc với Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ và Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý.

Dự kiến diễn đàn gồm ba chương trình: Lễ khai mạc, bàn tròn các nhà lãnh đạo và các hội nghị cấp cao 6+1 (một phiên toàn thể và sáu phiên chủ đề). Các chủ đề thảo luận hợp tác gồm cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghiệp, thương mại và hợp tác kinh tế, năng lượng và tài nguyên, hợp tác tài chính, trao đổi văn hóa, môi trường sinh thái và hợp tác hàng hải.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm