Ngày 21-12, ông Phan Đức Trường, Giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề đào tạo và sát hạch 677-3T Ninh Thuận (gọi tắt là TT 677-3T) cho biết đã gửi đơn khiếu nại lần 2 đến giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Ninh Thuận đối với quyết định (QĐ) xử phạt của Thanh tra Giao thông (TTGT) tỉnh này.
TT 677-3T cho rằng việc bị đình chỉ tuyển sinh hai tháng là không đúng. Ảnh: HH. |
Trước đó, TT 677-3T bị Chánh TTGT tỉnh Ninh Thuận ra QĐ xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng (hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ tuyển sinh hai tháng) về hành vi tổ chức đào tạo lái xe ngoài địa điểm được ghi trong giấy phép đào tạo.
Không đồng ý, giám đốc TT đã khiếu nại vì cho rằng biên bản do TTGT tỉnh lập không đúng đối tượng vi phạm nên kéo theo quyết định xử phạt sai. Đồng thời, biên bản cũng không được giao cho TT 677-3T trong vòng 24 giờ theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ông Trường cũng cho rằng QĐ xử phạt không đúng theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi với hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động có thời hạn” nhưng TTGT đã không có buổi làm việc nào khiến TT bị tước mất cơ hội giải trình và quyền chứng minh không vi phạm theo luật định.
Vì vậy, ông Trường khiếu nại yêu cầu thu hồi QĐ xử phạt hành chính và thông báo đình chỉ tuyển sinh hai tháng.
Sân tập lái nơi giáo viên của TT 677-3T bị Thanh tra giao thông tỉnh lập biên bản. Ảnh: HH. |
Sau đó Chánh thanh tra tỉnh đã ra QĐ tạm đình chỉ thi hành QĐ xử phạt để giải quyết khiếu nại.
Tại QĐ giải quyết khiếu nại, TTGT tỉnh Ninh Thuận cho rằng, giáo viên của TT 677-3T không đào tạo trên sân của TT mà tại cơ sở đào tạo khác là hành vi tổ chức đào tạo lái xe ngoài địa điểm ghi trong giấy phép. Giáo viên này sử dụng xe tập lái dạy học viên của TT theo kế hoạch đào tạo đã được Sở GTVT phê duyệt nên không thể cho rằng đây là hành vi tự phát của giáo viên.
Ngoài ra khi lập biên bản TTGT đã thông báo cho Giám đốc điều hành mảng đào tạo của TT, nhưng ông này không ký biên bản nên tổ kiểm tra không giao biên bản cho tổ chức vi phạm là đúng quy định. Từ đó Chánh TTGT tỉnh Ninh Thuận quyết định giữ nguyên QĐ xử phạt.
Trụ sở TTGT tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HH. |
Trong đơn khiếu nại, ông Phan Đức Trường cho rằng việc giải quyết khiếu nại là không khách quan và chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho việc ban hành QĐ xử phạt sai trước đó.
Bởi quá trình xác minh để giải quyết khiếu nại mang tính áp đặt, không ghi nhận ý kiến và quan điểm giải trình của nơi khiếu nại là TT 677-3T. TTGT đã hiểu và vận dụng sai quy định pháp luật, làm sai lệch thông tin, tài liệu khiếu nại và xác định sai chủ thể khiếu nại.
“Việc giải quyết khiếu nại có nhiều sai sót và vi phạm nguyên tắc của Luật Khiếu nại nên chúng tôi tiếp tục yêu cầu TTGT thu hồi QĐ xử phạt, thông báo tạm đình chỉ tuyển sinh và cả QĐ giải quyết khiếu nại của TTGT”- ông Trường trình bày.
Thứ nhất, chủ thể bị xử phạt trong vụ việc này là tổ chức (TT 677-3T). Khoản 2 Điều 3 Nghị định 118/2021 (chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định: Xử phạt đối với tổ chức thì hành vi vi phạm phải do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công của tổ chức đó. Như vậy nếu giám đốc, phó giám đốc.
TT 677-3T trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm, hoặc có bằng chứng thể hiện giáo viên dạy lái xe làm theo sự chỉ đạo, phân công của giám đốc, phó giám đốc TT này thì TTGT có căn cứ để xử phạt.
Nếu đúng như thông tin của giám đốc TT 677-3T là không giao, không phân công mà là hành vi tự phát của giáo viên thì rõ ràng chưa đủ căn cứ để xử phạt đối với TT, mà chỉ có thể xử phạt được cá nhân giáo viên về hành vi dạy lái xe không đúng tuyến đường (mức phạt 600.000-800.000 đồng).
Thứ hai, về biên bản, theo khoản 4 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không ký biên bản thì chỉ hai chủ thể có quyền thay thế: Chính quyền địa phương hoặc người chứng kiến. Theo tài liệu trong vụ việc này thì biên bản vi phạm không có chữ ký của chính quyền địa phương, còn chữ ký của người chứng kiến thì lại là của giáo viên dạy lái (người trực tiếp thực hiện hành vi), là không đúng. Bởi người chứng kiến phải là người không liên quan gì đến vi phạm đó, để tránh trường hợp vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì vậy để đảm bảo tính khách quan thì người chứng kiến phải là người độc lập, không liên quan đến vụ việc.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021 và các mẫu biên bản ban hành kèm theo Nghị định 118 có ghi rõ các mục lời khai của người vi phạm (hoặc đại diện tổ chức vi phạm) và lời khai của người chứng kiến. Như vậy, phải hiểu hai chủ thể này khác nhau, người vi phạm là giáo viên không thể đồng thời là người chứng kiến.
Thứ ba, theo khoản 6 Điều 12 Nghị định 118/2021 và Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi lập biên bản vi phạm hành chính thì phải giao cho người bị lập. Nếu giao trực tiếp mà người bị lập biên bản cố tình không nhận thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới được xem là đã giao. Trong vụ việc này không thấy có xác nhận của chính quyền địa phương về việc người vi phạm không nhận biên bản. Do đó biên bản này được xem là chưa được giao theo đúng quy định.
Trong nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, việc cơ quan nhà nước xác định sai chủ thể vi phạm là lỗi rất nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả là hủy QĐ xử phạt. Ngoài ra, việc lập biên bản xử phạt không đúng cũng sẽ ảnh hưởng đến tính hợp pháp của QĐ xử phạt. Do đó theo tôi, yêu cầu hủy QĐ xử phạt và thông báo đình chỉ đào tạo của phía TT 677-3T là có cơ sở. TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM