Theo tòa này, dự kiến vụ kiện sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 3-2016.
Theo các hóa đơn, sổ nợ của chủ quán thì vào năm 2012, trung tâm này tổ chức các khóa thi mô tô và kế toán thường đặt cơm của quán ăn trên cho hội đồng thi. Đến cuối năm 2012, trung tâm nợ quán ăn gần 15 triệu đồng. Ông ĐQK, Giám đốc trung tâm, duyệt hóa đơn và thanh toán qua kho bạc nhưng kho bạc chưa chuyển trả tiền. Cùng lúc này, ông K. vướng sai phạm, bị kỷ luật và khi bàn giao công việc, sổ sách thì bộ phận tài chính của trung tâm không chấp nhận khoản chi này.
Trong khi đó, ông K. cho rằng sở dĩ nợ quán ăn trên là do khi chuyển đổi thi giấy phép lái xe từ hình thức thi trên giấy qua thi trên máy vi tính, đơn vị phải dồn tiền mua máy đầu tư theo nguồn tự chủ. Vì vậy, nếu buộc ông K. trả nợ thì ông yêu cầu bán hết máy móc đã mua để lấy tiền trả nợ.
Sự việc dùng dằng qua đến đời giám đốc thứ hai. Ông này nói rằng “ai ăn uống, người đó trả” chứ ông không liên quan nên không trả nợ. Thế là khoản nợ bị “treo” đến đời giám đốc thứ ba. Vị này cũng khẳng định không trả và cho rằng ông K. phải có trách nhiệm chi trả.
Chủ quán ăn làm đơn đòi nợ nhiều lần vẫn không xong và năm 2014, đóng cửa quán ăn và đi kiện. Theo bà P., tòa đã mời hòa giải nhưng trung tâm dạy nghề trên không cử đại diện đến. Bà P. cho rằng bà xuất hóa đơn bán cơm cho trung tâm, không phải xuất hóa đơn cho cá nhân ông K. nên trung tâm phải có trách nhiệm trả nợ. Ngoài ra, việc đặt cơm đều do kế toán thực hiện và người này vẫn đang làm việc tại trung tâm.