Chợt nhận ra tiếng trống tập múa lân hoàn toàn thiếu vắng ở TP hiện đại nhất phương nam này.
Hoa khôi Nam Em tự mình chuẩn bị quà cho các em dân tộc K’Ho ở Di Linh, Lâm Đồng. Ảnh: NHÂN PHAN
Tuổi thơ đẹp đẽ của chúng tôi là tiếng trống múa lân, từng đoàn lân nối nhau biểu diễn trong những đêm mưa dưới ánh đuốc, đèn ông sao bằng giấy kiếng màu lung linh trong ánh nến, những mặt nạ đủ hình thù… Mỗi mùa Trung thu thuở nhỏ là một mùa ước vọng được thắp lên, bởi Trung thu thường đánh dấu mùa trăng đầu tiên của năm học mới. Sau một mùa hè, bạn bè có dịp cùng nhau trong một đêm rước đèn, múa lân với một chút bánh, kẹo; tình bạn cho một năm mới lại bắt đầu.
Đó là thuở bánh Trung thu thì ít nhưng đèn ông sao, cá chép luôn được thắp sáng cả một quãng đường. Đó là thuở cha mẹ không nhiều tiền, phố xá không nhiều kiểu đèn lồng điện nhưng mỗi mùa Trung thu, cha mẹ nào cũng ráng đúng đêm rằm bày một mâm bánh, trà, lồng đèn… Ở mâm cỗ đó, người lớn thưởng trà, bánh với trăng thu còn con trẻ thì được rước đèn mà hát “mười lăm tháng tám trời cho, một ông trăng sáng thật to” trong ca khúc Thằng Cuội. Cũng mâm cỗ như thế với những nhà khá giả hơn thì mời một, hai đoàn lân trong xóm đang múa dạo vào nhà múa cho cả xóm cùng coi. Những đứa trẻ mỗi ngày cùng chơi trong xóm đóng vai ông địa, ông lân… Thuở đó, Trung thu là tết của trẻ thơ.
Khi vào TP.HCM học, tôi đã thấy TP này thiếu vắng những tiếng trống “tùng dinh dinh”. Khoảng hai tháng trước Trung thu, hàng loạt tủ kính và lều bạt dựng lên bán bánh thời vụ. Trung thu bỗng được quảng cáo và trở thành thói quen là “tết đoàn viên”, “tết của tình thân” thay cho “tết thiếu nhi”. Hàng chục hộp bánh được đối tác mua tặng nhau kèm thêm chữ “tình thân”, các phim quảng cáo bánh Trung thu có nội dung tặng cha mẹ mùa tết đoàn viên. ở TP khi tình thân, đoàn viên dần biến tướng thành những lễ nghi trong giao tế thông qua hộp bánh thật xịn, đèn điện thay trăng, những đoàn lân sư rồng lớn biểu diễn trên sân khấu… thì con trẻ bỗng mất dần vị trí mình trong mùa tết vốn dành cho các em.
Nhưng rồi tôi vẫn hy vọng Trung thu là tết của các em, nhất là các em nhỏ kém may mắn. Bởi trong suốt những ngày qua, rất nhiều chuyến thiện nguyện của các nghệ sĩ đến với các em nhỏ. Rất nhiều nghệ sĩ đã thay mặt Quỹ Hiểu về trái tim tổ chức chương trình Trung thu yêu thương cho 2.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành. Hoa khôi Nam Em chạy xe suốt sáu giờ để đem một mùa Trung thu đến với trẻ em dân tộc K’Ho ở xã Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Đó là Hồ Ngọc Hà suốt bảy năm liên tục với chương trình Vui trung thu cùng trẻ em ngoại thành do chính cô tổ chức để trao tặng hơn 1.000 suất học bổng và hơn 7.000 phần quà cho các em ở Cần Thơ, TP.HCM…
Không chỉ nghệ sĩ mà rất nhiều nhóm công tác xã hội độc lập cũng đã lên đường đến với các em nhỏ vùng sâu, vùng xa. Ngay tại TP.HCM, đặc biệt ở các bệnh viện, không khí Trung thu cũng rộn ràng nhờ các mạnh thường quân. BS Kiều Thanh Hà vận động cùng chung tay mang Trung thu đến cho bệnh nhi tại các bệnh viện: ĐH Y Dược, Ung bướu, Nhi đồng 1, Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM...
Không biết tôi có phải là người quá thủ cựu để mong con mình có được ký ức với tiếng trống lân, với ánh trăng vàng và đèn ông sao như thuở ngày xưa? Hay tôi nên vui mừng bởi Trung thu ở TP này còn là một mùa khác: Mùa của những chia sẻ yêu thương.