“Cử tri hãy tìm hiểu kỹ thông tin ứng cử viên bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) các cấp thông qua danh sách ứng cử viên được niêm yết, thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, chương trình vận động bầu cử để lựa chọn được người xứng đáng đại diện ý chí, nguyện vọng hợp pháp và chính đáng của nhân dân”. Ông Huỳnh Tấn Việt, Chủ tịch MTTQ quận 12, TP.HCM, nhấn mạnh trong trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM về kỳ bầu cử sắp đến gần.
Bầu cử trực tiếp, không qua trung gian
. Thưa ông, theo Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, việc niêm yết danh sách cử tri, ứng cử viên được thực hiện như thế nào để người dân có thể theo dõi, tìm hiểu và lựa chọn?
+ Danh sách cử tri phải được niêm yết trước 40 ngày diễn ra bầu cử. Danh sách cử tri được niêm yết tại trụ sở UBND phường - xã - thị trấn và các khu vực công cộng của khu vực bỏ phiếu. Danh sách ứng cử viên sẽ được niêm yết trước 20 ngày diễn ra bầu cử tại các khu vực công cộng của khu vực bỏ phiếu.
. Công dân có quyền bầu cử ở nơi thường xuyên cư trú hay tạm trú?
+ Theo quy định tại Điều 29 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú; có nghĩa cử tri có quyền được lựa chọn bầu cử ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu cử tri bầu cử ở nơi thường trú thì được bầu đại biểu cả bốn cấp là ĐBQH, ĐB HĐND thành phố, quận, phường.
Nếu cử tri bầu cử ở nơi tạm trú thì có hai trường hợp. Một là, nếu cử tri tạm trú đủ 12 tháng thì được bầu ĐB cả ĐBQH, ĐB HĐND thành phố, quận và phường nơi cử tri tạm trú. Hai là, nếu cử tri đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được bầu ĐBQH, ĐB HĐND thành phố và quận nơi cử tri tạm trú.
. Làm như thế nào để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều được bình đẳng trong bầu cử?
+ Trong bầu cử, nguyên tắc bình đẳng của công dân được pháp luật quy định nhằm đảm bảo tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều như nhau khi tham gia ứng cử, bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào. Nguyên tắc bình đẳng phải đảm bảo bình đẳng từ việc lập danh sách cử tri; việc lựa chọn bỏ phiếu nơi thường trú hay tạm trú của cử tri; việc bỏ phiếu bầu và giá trị phiếu bầu của mọi cử tri là như nhau không có sự phân biệt.
Cử tri bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại đơn vị bầu cử số 7, TP.HCM. Ảnh: QUANG NHỰT
Ngoài ra, nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ở từng địa phương, vùng miền và phụ nữ phải có tỉ lệ đại biểu thích đáng trong QH và HĐND các cấp.
. Hiểu như thế nào là bầu cử trực tiếp mà không qua khâu trung gian, thưa ông? Ngày bầu cử, cử tri không đi bầu cử được thì có được phép gửi thư bầu qua đường bưu điện hay không?
+ Bầu cử trực tiếp là cử tri tự mình lựa chọn ứng cử viên, viết phiếu và bỏ phiếu bầu vào thùng phiếu tại khu vực bỏ phiếu theo quy định. Nếu cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết giúp nhưng phải tự mình bỏ phiếu; trường hợp người tàn tật, ốm đau không thể tự bỏ phiếu được thì mới nhờ người khác bỏ phiếu giúp. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Việc cử tri gửi thư bầu qua đường bưu điện sẽ không được công nhận.
Bầu đủ số lượng, không gạch - xóa phiếu bầu
. Khi quyết định bỏ phiếu bầu đại biểu nào, cử tri có thể công khai cho người khác biết hay không?
+ Việc bỏ phiếu bầu là ý chí, là quyền riêng của cử tri, khi cử tri viết phiếu bầu thì không ai được xem. Do đó, trong quá trình viết phiếu bầu, cử tri không được công khai cho người khác biết việc bầu chọn của mình.
. Theo kinh nghiệm của ông từ những lần bầu cử trước, cử tri thường mắc những lỗi nào?
+ Khi tham gia bầu cử, có một số lỗi mà cử tri mắc phải dẫn đến phiếu bầu không hợp lệ. Đó là cử tri bầu không đủ số lượng đại biểu cần bầu, không gạch hết họ tên ứng cử viên, đánh dấu trước họ tên của ứng cử viên, viết thêm vào phiếu bầu hoặc gạch, xóa hết tên trong phiếu bầu.
. Ông có lời nào gửi đến cử tri trước khi họ thực hiện quyền, nghĩa vụ để chọn được đại biểu xứng đáng là đại diện cho dân?
+ Riêng tại quận 12, từ ngày 2-5, danh sách chính thức ứng cử viên được niêm yết tại 182 khu vực bỏ phiếu của quận. Bầu cử là quyền của nhân dân; ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân. Điều mong muốn của tôi là cử tri quận 12 cùng cử tri cả nước quan tâm, nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về tiểu sử, quá trình công tác của ứng cử viên địa phương mình, ở từng đơn vị bầu cử, xem xét về tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác đặc biệt, là uy tín của từng ứng cử viên, thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, việc vận động bầu cử của ứng cử viên để chất vấn về chương trình hành động của từng ứng cử viên. Qua đó, cử tri có sự lựa chọn sáng suốt để tham gia bầu cử đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu và bầu đúng - bầu đủ số lượng ĐBQH và ĐB HĐND các cấp theo từng khu vực bỏ phiếu.
. Xin cám ơn ông.