Trương Nghệ Mưu hầu tòa vì vụ kiện hy hữu

Trương Nghệ Mưu hầu tòa vì vụ kiện hy hữu ảnh 1

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu. (Nguồn: TT&VH)

Na hý được coi là một di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc và đạo diễn Trương đã giới thiệu loại hình ca kịch này trong bộ phim "Thiên lý tẩu đơn kỵ" (2005).

Vi phạm bản quyền?

Ngày 11/5, tòa án quận Tây Thành ở Bắc Kinh đã xét xử vụ kiện này. Nguyên đơn là cơ quan quản lý văn hóa thành phố An Thuận. Họ kiện đạo diễn họ Trương và nhà sản xuất Zhang Weiping cùng công ty phát hành phim vì trong "Thiên lý tẩu đơn kỵ" đã không nêu rõ Na hý có nguồn gốc ở An Thuận.

Có tổng cộng tám nghệ sĩ trình diễn ca kịch đã được Trương Nghệ Mưu tuyển chọn từ thành phố An Thuận trước khi họ tới Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam tham gia đóng bộ phim trên. Thế nhưng, trong "Thiên lý tẩu đơn kỵ," lại không hề đề cập đến việc Na hý có nguồn gốc ở An Thuận do đó khiến nhiều khán giả lầm tưởng rằng đây là một loại hình ca kịch của Vân Nam.

Zhan Xueyan, một nghệ sĩ trình diễn Na hý trong phim "Thiên lý tẩu đơn kỵ," đã xuất hiện tại tòa làm nhân chứng. Ông cho biết các nghệ sĩ đã trình diễn hai vở ca kịch trong phim và chúng chẳng có khác biệt nào so với tác phẩm gốc về trang phục và động tác.

Tuy nhiên, luật sư của Trương Nghệ Mưu nói rằng lời buộc tội đó không có giá trị vì ở Trung Quốc chẳng có điều luật nào về vi phạm bản quyền di sản văn hóa phi vật thể. Hơn nữa, trong phim cũng không có bất cứ chi tiết nào khẳng định Na hý có nguồn gốc ở Vân Nam.

Phiên tòa đã được hoãn lại sau khi phía bị đơn từ chối chấp thuận yêu cầu của bên nguyên là đưa tên thành phố An Thuận vào cảnh có màn trình diễn Na hý trong các bản phim phát hành sau này.

Tranh cãi

Vụ kiện này đã gây sự quan tâm đáng kể trong làng báo cũng như công chúng Trung Quốc. Theo nhà bình luận Wuyue Sanren thì: “Công việc của đạo diễn là minh họa chủ đề phim bằng việc sử dụng nhiều yếu tố nghệ thuật khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta không nhất thiết phải rạch ròi giữa loại hình nghệ thuật thực thụ và cách biểu đạt trong một tác phẩm nghệ thuật nào đó. Tuy nhiên, ở trường hợp này, các nhà làm phim nên nêu rõ Na hý có xuất xứ ở An Thuận.”

Còn Liu Shuliang, giáo viên về diễn xuất tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, kêu gọi nên có luật bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Không có sự bảo vệ pháp lý thì việc không nêu nguồn gốc của Na hý trong phim chỉ được coi là một thiếu sót.

“Chúng ta không có một bộ luật rõ ràng nào để bảo vệ những di sản văn hóa như vậy ở Trung Quốc và thông thường, các nhà làm phim cho đó là một sự hiển nhiên khi đưa vào tác phẩm của mình bất cứ thứ gì. Các nhà làm phim phương Tây rất chú trọng tới vấn đề này nên họ thường nêu nguồn gốc của những gì phát sóng trên truyền hình và sử dụng trong phim,” ông Liu nói./.

Theo TT&VH/Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm