Truyền hình dàn dựng: Đạo đức và pháp luật

Nhấm nháp tội ác chứ không phải cảnh báo

Bản chất của nghề báo là thông tin sự thật khách quan, sự thật có sao nói vậy, không thêm lên và bớt đi, vi phạm cái đó là vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của nghề báo.

Trong vụ việc học sinh hút shisha, nếu với tính chất cảnh báo cho người xem tôi nghĩ không nhất thiết đưa hình ảnh các em đang hút shisha mà đưa hình ảnh hậu quả của nó như hút shisha để lại bệnh gì, hậu quả như thế nào… mới là cảnh báo; và càng không phải đưa cảnh dàn dựng mấy em đang hút. Nếu cần đưa cảnh đang hút mà là dàn dựng thì phải nói rõ đây là hình ảnh dàn dựng và phải che mặt người tham gia trong cảnh dàn dựng đó. Tức rõ ràng có hai yêu cầu cho dàn dựng, thứ nhất là phải nói rõ dàn dựng, thứ hai việc dàn dựng không làm tổn hại tới danh dự, uy tín của nhân vật dàn dựng.

Còn thực tế VTC14 đưa hình ảnh các em phơi phới, sinh động, có huy hiệu trường… việc này có tác dụng ngược như là muốn nói “nè mấy bạn nữ sinh cũng chơi shisha, có gì nguy hiểm đâu”.

Đó là thưởng thức, là nhấm nháp tội ác chứ không phải cảnh báo tội ác.

Có một thời báo chí mình sai lầm khi lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Vì mục đích tuyên truyền mà thổi phồng lên hoặc làm nhẹ đi mức độ nào đó của sự việc nhưng sự nói quá hay nhẹ đi đó trong khuôn khổ sự thật; còn làm báo không được dàn dựng.

Nhà báo NAM ĐỒNG, nguyên Tổng Biên tập  báo Pháp Luật TP.HCM

Đừng câu khách bằng sự giả dối

Trước hết, nguyên tắc nghề nghiệp không được dàn dựng hay tưởng tượng để thực hiện phóng sự. Có thể bằng lời dẫn hoặc lời bình để nói đến hiện tượng nhưng bài báo, phóng sự phải thuyết phục người ta bằng việc ghi lại sự thật. Người xem tin sự thật đó, từ đó mới tác động đến tâm lý, tình cảm của họ và phản ứng của dư luận cũng dựa trên sự thật đó. Vì thế khi đưa ra một phóng sự với tư liệu dàn dựng thì đó là sự gian lận, không trung thực (trong khi nhà báo là người đi nói sự thật).

Về nghiệp vụ, phóng sự này đã gian lận bạn đọc. Thứ đến, hiện tượng hút shisha đã có lâu và không khó để thực hiện, nếu phóng viên không thực hiện cảnh quay thật được thì nên thừa nhận không thực hiện được chứ không nên bằng một lao động giả như thế. Có những người viết báo đi được vào động mại dâm, ma túy…, những đề tài đó khó hơn hút shisha chứ! Đã không làm được như vậy thì đừng câu khách bằng sự giả dối.

Về đạo đức nghề, người làm báo không được quyền đưa hình ảnh rõ ràng các em học sinh, phù hiệu trường… như trong phóng sự. Nên nhớ, các em chỉ là người được mượn để thực hiện việc dàn dựng.

Nhà báo NGUYỄN THẾ THANH, nguyên Tổng  Biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở  Văn hóa và Thông tin TP.HCM

Ngụy tạo sự kiện, bôi nhọ các em

Thứ nhất, VTC 14 vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc làm báo “tôn trọng sự thật”, không được dàn dựng, thêm thắt hay vo tròn, bóp méo sự thật vì mục đích nào đó. Mà ở đây là dùng các em học sinh để dàn dựng và bôi nhọ ngay chính các em này - đối tượng phản ánh của bài báo. Đây còn là xâm hại đạo đức nhà báo trong mối quan hệ với nhân vật trong tác phẩm của mình. Thứ hai, từ sai phạm của phóng viên dẫn đến sai phạm của cơ quan báo chí khi VTC14 làm công văn khẳng định việc làm sai trái này là đúng. Thứ ba, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo cần hiểu và tuân thủ các nguyên tắc hành xử nhằm bảo vệ trẻ em - nhóm công chúng, đối tượng chưa biết tự bảo vệ mình. Đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa là yêu cầu đạo đức nghề nghiệp.

Phẩm chất quan trọng của nhà báo không chỉ là săn tin - săn sự kiện và vấn đề thời sự mà quan trọng hơn là năng lực thẩm định, phân tích sự kiện dưới các góc độ đạo đức và pháp lý, kinh tế và văn hóa... để phán đoán được năng lực tác động của sự kiện thông tin đối với các mối quan hệ đang đặt ra. Ở đây nhà báo không săn tin mà lại sử dụng các em học sinh để ngụy tạo và dàn dựng cái gọi là “sự kiện” để rồi đẩy các em vào bất hạnh. Đó là điều không thể chấp nhận được, không thể biện minh được.

PGS-TS NGUYỄN VĂN DỮNG, Trưởng khoa Báo chí,
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quyền nhân thân bị xâm phạm nghiêm trọng

Vụ “hút shisha” cũng giống vụ dàn dựng trong phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” (được phát trên Đài PT-TH tỉnh Bình Định và phát lại trên thời sự buổi sáng 28-6-2013 của VTV1). Trong đó, nhà đài phát những lời bình về chất lượng đào tạo lái xe và đối tượng được cấp phép lái xe. Phóng viên đã nhờ một người thương binh và một người khuyết tật dựng cảnh lái xe ô tô để làm phóng sự và biến họ thành trò đùa của sự nguy hiểm trong khi bình thường họ không hành nghề lái xe.

Tuy nhiên, vụ học sinh hút shisha còn nghiêm trọng hơn ở chỗ đối tượng bị ảnh hưởng là kép, gồm nhà trường và đặc biệt là các em học sinh tuổi còn rất nhỏ. Việc dùng các em học sinh chưa đủ 18 tuổi làm nhân vật đóng thế dù có sự đồng ý của các em cũng vi phạm chứ chưa nói đến bản thân các em đã không biết mình bị lợi dụng.

Theo quy định tại Điều 3 BLDS, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Nếu người chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha mẹ hoặc người đại diện của người đó đồng ý, nếu đã đủ 15 tuổi nhưng chưa thành niên thì phải được sự đồng ý của chính người đó. Ở đây các em chưa đủ tuổi để thực hiện một giao dịch dân sự liên quan đến quyền về hình ảnh của mình. Nếu đã đủ tuổi và có giao kết như trong vụ “Ai chắp cánh cho thần chết” nêu trên mà phóng viên sử dụng vào mục đích xấu thì việc phát sóng cũng không hợp pháp.

Hành vi dàn dựng trên còn vi phạm vấn đề về quyền bí mật đời tư của cá nhân được quy định tại Điều 38 BLDS. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định bí mật đời tư là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ và tôn trọng. Sử dụng, phát tán những hình ảnh (đang trong trạng thái) xấu của các em học sinh tác động trực tiếp đến tâm sinh lý ở hiện tại và trong tương lai vì nó vẫn còn lưu truyền trên mạng, khi lớn lên sẽ cảm thấy xấu hổ ê chề. Các em sẽ bị tổn thương về tinh thần do phóng sự đã cố tình gây ra sự nhầm lẫn cho xã hội so với chủ thể được phản ánh là người hư hỏng.

TS LÊ MINH HÙNG,  ĐH Luật TP.HCM

VTC14 phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại

Tôi cho rằng trong tất cả vụ dàn dựng hình ảnh ở trên đều đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật. Đặc biệt trong vụ này, người thực hiện đã cho học sinh hút shisha là đã làm những điều trái pháp luật để đạo diễn thành chương trình của mình, gây hậu quả rất lớn. Bởi khi phát sóng thì ai cũng nghĩ là các em có hành vi xấu. Vì thế người bị thiệt hại là các em học sinh (do cha mẹ làm đại diện) có quyền yêu cầu hoặc khởi kiện buộc phía VTC14 phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại do có hành vi trái đạo đức và pháp luật.

Khoản 1 Điều 9 Luật Báo chí quy định báo chí khi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận đó.

Với việc xâm hại đến quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân và xâm phạm đến uy tín của tổ chức thì cha mẹ các em học sinh và nhà trường có quyền khởi kiện yêu cầu VTC14 xin lỗi, bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần theo Điều 307 BLDS. Cần lưu ý, bị đơn trong quan hệ này là pháp nhân, tức đài VTC14, vì chính người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này đã duyệt cho phát sóng chương trình chứ không phải phóng viên. Nếu cho rằng lỗi dàn dựng hoàn toàn thuộc về êkíp thực hiện thì VTC14 có quyền yêu cầu họ hoàn trả hoặc xử lý theo quy định nội bộ.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Gài bẫy chứ không phải dàn dựng!

Dàn dựng là thủ pháp dùng trong một số thể loại truyền hình khác. Ví dụ, trong phim tài liệu người ta có thể dùng thủ pháp phục hiện nhưng khi xem khán giả hiểu được thông điệp của tác giả, biết được rằng hình ảnh được dàn dựng, tái hiện.

Khi thực hiện phóng sự về chuyện hút shisha trong học sinh, nhóm phóng viên VTC14 đã nhờ các em học sinh hợp tác để ghi hình. Mới nhìn qua đây có vẻ như một thủ pháp nghiệp vụ bình thường. Nhưng qua xem clip “phóng sự”, qua những thông tin của những người có liên quan, những nhân vật phóng sự này trên báo chí và mạng xã hội, tôi cho rằng các tác giả đã gài bẫy nhân vật của mình.

Vì sao? Không ai có thể hợp tác với nhà báo để bôi xấu hình ảnh mình trên truyền thông. Nhóm tác giả phóng sự “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng” - vô tình hay cố ý - đã đối xử nhẫn tâm, đã lợi dụng những nhân vật của mình dù nhân danh mục đích tốt đẹp: “Cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực trong đời sống giới trẻ”. Cách tác nghiệp này vi phạm nguyên tắc đạo đức báo chí.

ThS PHAN VĂN TÚ, khoa Báo chí-Truyền thông
- ĐH KHXH&NV TP.HCM

VTC14 xin lỗi và đình chỉ êkíp sản xuất

Trong bản tin phát sóng trực tiếp lúc 19 giờ 40 tối 4-4 , VTC14 đã chính thức lên tiếng. Theo đó, VTC14 nhận lỗi sai trong quá trình tác nghiệp, trong đó êkíp sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc sử dụng thông tin và hình ảnh ghi hình, phát sóng đối với người vị thành niên. Đặc biệt, êkíp sản xuất đã mắc sai sót, không làm mờ nhận diện cá nhân của các em học sinh khi phát sóng chương trình. Ban biên tập VTC14 cũng gửi lời xin lỗi đến các em học sinh đã tham gia xuất hiện, trả lời phỏng vấn trong chương trình, tới gia đình các em về những tác động không mong muốn đó.

Về sự non kém hết sức đáng tiếc về nghiệp vụ của cả êkíp, sau khi kiểm tra làm việc ở tất cả các cấp, ngày hôm nay VTC14 đã tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của cả nhóm tác nghiệp nói trên để xem xét xử lý theo quy định.

VIẾT THỊNH

Học sinh chìm trong khói trắng shisha

Trong Bản tin cuộc sống 24h ngày 27-3-2015, kênh VTC14 phát sóng phóng sự “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha”. Nội dung phóng sự đề cập chuyện các em học sinh hút shisha và tác hại của việc hút shisha. Trong phóng sự có những học sinh (Trường THPT Việt Đức và THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội) đang mặc đồng phục, mang phù hiệu trường hút shisha. Sau khi phóng sự được phát sóng, nhóm học sinh cho rằng họ được phóng viên đề nghị làm mẫu để quay phim. Tức phóng sự này là dàn dựng lại cảnh học sinh hút shisha chứ không phải học sinh đã hút shisha và bị phóng viên bí mật ghi hình.

Tuy nhiên, trả lời nhà trường, VTC14 cho rằng: “Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên VTC14 đã tuân thủ đầy đủ quy trình, tôn trọng sự thật và nhận được sự hợp tác của các học sinh trong phóng sự, nhờ đó đã có được những hình ảnh chân thực, đạt hiệu quả cảnh báo sâu sắc”.

Vợ chồng hát rong và Điều ước thứ 7

Chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên VTV3 ngày 10-1-2015 đã gây xúc động mạnh cho khán giả khi kể về câu chuyện tình đầy cảm động của cô gái khiếm thị hát rong quê Nghệ An và chàng trai trẻ tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia quê Thanh Hóa. 

Phóng sự là câu chuyện tình yêu vượt qua mọi rào cản, vượt lên số phận khi chàng là “ánh sáng cuộc đời” nàng. Và điều ước trong chương trình là đứa con của anh chị được đặt tên là Sao Mai để mong con được biểu diễn trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn.

Nhưng đằng sau chuyện tình cảm động này lại là một sự thật hoàn toàn khác: Sau khi ghi hình, chàng đã bỏ mẹ con nàng bởi chàng đã có vợ con ở Thanh Hóa…

Sự thật này nhà đài đã biết nhưng cuối cùng chương trình vẫn phát sóng…

Cụt tay, cụt chân vẫn lái xe ô tô

Ngày 26-8-2013, dư luận phát hiện phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” do DC, phóng viên Đài PT&TH Bình Định thực hiện (từng đoạt giải B do Hội Nhà báo tỉnh này trao năm 2013), bị nghi là có dàn dựng, sai sự thật.

Đây là phóng sự truyền hình đề cập bốn trường hợp bị tàn tật. Trong đó, ông Đinh Dương Hải (51 tuổi, thương binh 1/4, bị cụt hai chân, ở TP Quy Nhơn), ông Nguyễn Văn Nhung (45 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) bị cụt sát nách một tay do tai nạn từ nhỏ… Tuy nhiên, hằng ngày những người này vẫn lái ô tô chở khách, chở hàng mưu sinh. Tuy nhiên, sự thật là những người này bị phóng viên dàn dựng nhờ leo lên xe để quay phim nói về “thương binh tàn nhưng không phế”, hoặc hứa hẹn tìm nguồn tài chính giúp đỡ sau khi phim phát sóng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm