Tự chủ đại học: Vướng đủ đường

(PLO)- Nhiều quy định chồng chéo, thiếu hụt tài chính khiến các cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự được tự chủ một cách hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xoay quanh chủ đề về tự chủ đại học (ĐH) tại hội thảo do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà quản lý trực tiếp tại các cơ sở giáo dục đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ.

Tài chính bị thu hẹp

Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng tự chủ hiện nay của các ĐH vẫn chưa thật sự suôn sẻ vì còn gặp không ít bất cập và khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật.

Đơn cử, tự chủ nhưng các hoạt động của trường công đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của hàng loạt luật khác nhau, như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức…

Chủ đề tự chủ đại học thu hút nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo vừa tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: BTC

Chủ đề tự chủ đại học thu hút nhiều ý kiến góp ý tại hội thảo vừa tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: BTC

Cạnh đó, ngân sách chi thường xuyên bị cắt ngay khi có quyết định tự chủ trong khi phải đến tháng 9 của năm đó trường mới được phép thu học phí đối với khóa tuyển sinh mới. Vì vậy nguồn thu tăng thêm chưa đủ để bù đắp được khoản thiếu hụt do ngân sách được cấp bị cắt giảm.

Hiện bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, ban hành chỉ thị của Thủ tướng về thực hiện đẩy mạnh tự chủ ĐH. Đồng thời sơ kết, đánh giá năm năm thực hiện về đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH vào thời điểm phù hợp.

Ngoài ra, hiện bộ đang lấy ý kiến để đề xuất chỉnh sửa Nghị định 99/2019 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi số 34/2018, Nghị định 86/2018 về hợp tác đầu tư, Nghị định 46/2017, Nghị định 127/2018, Nghị định 135…

PGS-TS NGUYỄN ANH DŨNG,
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)

Bà Lý Hoàng Oanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng kinh phí được cấp từ ngân sách còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chính sách lương cho người lao động.

Chưa kể các trường công vẫn chưa được quyền tự chủ hoàn toàn trong việc sử dụng cơ sở vật chất. Đặc biệt là quyền sử dụng đất để liên kết hoặc cho thuê phục vụ cho giáo dục nên bị hạn chế một phần đáng kể các khoản thu của trường.

Thêm vào đó, các trường chưa được tự quyết định mức thu học phí mà vẫn dựa theo quy định của bộ với khung tương đối thấp. Khi đó, thực tế đã xuất hiện hai tình huống. Thứ nhất, nếu các trường công lập có quy mô nhỏ sẽ không muốn chuyển sang cơ chế tự thu chi mà vẫn muốn dựa vào phần cấp bù của ngân sách, do đó chưa thể thực hiện tốt quyền tự chủ tài chính và quản lý tài chính.

Thứ hai, đối với các trường có quy mô lớn hơn, khi không có đủ kinh phí sẽ có xu hướng đa dạng hóa nguồn thu, bằng cách tăng quy mô, mở rộng loại hình đào tạo… và điều đó sẽ làm gia tăng tỉ lệ sinh viên/giảng viên dẫn đến chất lượng đào tạo sẽ bị giảm sút.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), kiến nghị các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc thực thi quyền tự chủ.

Ngoài ra, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, từ nguồn nhân lực, tuyển sinh, các hoạt động học thuật, nghiên cứu và giảng dạy, quản lý hành chính và tài chính...

Còn theo GS-TS Trình Quang Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam, Chính phủ cần sớm tổng kết việc thí điểm tự chủ ĐH (triển khai từ năm 2014 đến nay) cho từng trường đã thí điểm để rút ra những điều tốt, những điều chưa tốt. Nếu tổng kết thấy sai thì sửa, thấy vi phạm thì dừng lại, nếu lợi dụng thí điểm để trục lợi, tư túi thì xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ cần có quy định cụ thể về hội đồng trường. Hội đồng trường phải do Thủ tướng hoặc bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Có như vậy hội đồng trường mới thật sự có vai vế, đủ tầm là cơ quan chủ quản của trường ĐH.

Theo TS Nguyễn Hữu Sơn, Học viện Cán bộ TP.HCM, trường ĐH được mở rộng quyền tự chủ hơn về học thuật, quản lý đào tạo vì thực tế những công tác này đang “vướng” nhiều sự ràng buộc từ phía các cơ quan chức năng, sự chồng chéo của các quy định.

Bởi thực tế, khi tiến hành xây dựng mở các mã ngành mới, vì không được quyền tự quyết nên các trường phải “nhờ” một trường khác có đủ điều kiện thực hiện thẩm định giúp về các điều kiện theo quy định về mở ngành. Đây chính là một kiểu đánh đố, vì tâm lý cạnh tranh tuyển sinh của trường được nhờ thẩm định sẽ gây nhiều khó khăn, tốn kém cho trường phải nhờ.

Nếu được tháo gỡ, các cơ sở đào tạo sẽ chịu trách nhiệm và giải trình trước các cơ quan quản lý nhà nước và trước xã hội theo đúng tinh thần, quy định của Luật Giáo dục ĐH.

Hội đồng trường mờ nhạt

Theo ý kiến của một số chuyên gia, tuy Luật Giáo dục ĐH đã quy định rất rõ quyền lực của hội đồng trường nhưng trong thực tế, vai trò này còn rất nhiều hạn chế.

GS-TS khoa học Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng hoạt động của hội đồng trường ở nhiều trường còn mang tính hình thức. Trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của hội đồng trường vẫn còn rất mờ nhạt. Xã hội chưa nhận thấy vai trò của hội đồng trường.

Vì vậy, ông cho rằng phải nghiên cứu lại cơ chế quy định việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hội đồng trường, xem vướng ở đâu để có chủ trương, chính sách phù hợp.

Ông Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: “Chúng ta đang chuyển cơ chế quản lý từ hiệu trưởng sang hội đồng trường. Luật quy định rất rõ vai trò và nhiệm vụ của hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường.

Tuy nhiên, khi triển khai và thực hiện kiểm tra, giám sát, các cơ quan lại không thống nhất, gây khó cho quá trình thực hiện. Đây rõ ràng là sự bất cập trong quản lý và vận hành của luật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm