Sáng 21-4, tại Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia "Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.
Tại đây, nhiều ý kiến của các đại biểu thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ.
TS Nguyễn Thị Mai Hoa cùng các chuyên gia đang chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: P.ANH |
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc Hội, thời gian qua, việc thực hiện tự chủ ĐH đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một khó khăn thực tế, tự chủ ĐH có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Các trường ĐH muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư.
Việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường gặp nhiều rào cản bởi các quy định pháp luật liên quan.
Bà Hoa cũng cho rằng nguồn lực tài chính cho giáo dục ĐH còn nhiều khó khăn. Mức đầu tư cho giáo dục ĐH thời gian qua đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên còn thấp so với trung bình trong trong khu vực và thế giới, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD&ĐT.
Do đó, TS Mai Hoa đề ra 5 khuyến nghị: thứ nhất, cần nghiên cứu xác định mô hình tự chủ ĐH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thứ hai, phải đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ ĐH. Thứ ba, đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho giáo dục ĐH.
Thứ tư, xây dựng chính sách cải cách tiền lương và đẩy mạnh quá trình tự chủ trong các trường đại học để tạo quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục thu hút, giữ chân người tài, chuyên gia đầu ngành. Thứ năm, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ; đổi mới quản trị ĐH, thực hiện tự chủ ĐH gắn với trách nhiệm giải trình.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Ảnh: BTC |
Nêu thực tế triển khai tự chủ tại ĐH Quốc gia TP.HCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy ĐHQG TP.HCM, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng mặc dù thực hiện quyền tự chủ được Nhà nước giao, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao. Tuy nhiên, do thực tế chưa đồng bộ giữa các luật nên khi thực hiện rất mất sức trong từng vấn đề nhỏ. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện tự chủ ĐH tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thêm vào đó, PGS-TS Phương Lan cũng cho rằng, việc cắt chi thường xuyên ngay sau khi cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, dẫn đến việc hạn chế chi đầu tư cho các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các vấn đề hợp tác công tư đối với các đơn vị tự chủ bao gồm chính sách, pháp lý, tài sản… cũng chưa được đồng bộ, rõ ràng, tạo hành lang pháp lý cho cơ sở giáo dục tự chủ có thể giải quyết được vấn đề tạo các nguồn thu hợp pháp, giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu học phí.
Ví dụ cụ thể ngay tại Trường ĐH KHXH&NV, PGS-TS Phương Lan cho biết, từ năm 2022, trường chính thức chuyển sang cơ chế tự chủ, ngay lập tức ngân sách nhà nước dành cho trường bị cắt. Trong khi đó, trường đa phần thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội lâu dài của đất nước.
“Nếu trường tự xác định tự chủ thì ai sẽ vào học những ngành đặc thù, các ngành khoa học cơ bản với học phí mấy chục triệu đồng? Vậy mà, ngay từ đầu năm học đã bị cắt ngân sách, trường "bỗng dưng muốn khóc” vì lương cho đội ngũ vẫn phải trả nhưng ngân sách đâu ra? Trường đành phải dựa vào hệ thống của ĐH Quốc gia TP.HCM để hỗ trợ học phí cho những ngành khoa học cơ bản. Tôi nghĩ cần có giải pháp để hài hòa, quan điểm tự chủ tách khỏi quản lý nhà nước đến mức nào vì còn có những ngành cần khuyến khích người học” – PGS-TS Phương Lan thẳng thắn.
Từ thực tế này, PGS-TS Phương Lan cho rằng, cần có sự đánh giá đầy đủ, toàn diện về những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục khi thực hiện quyền tự chủ. Cần xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục ĐH trong mối tương quan tương đối với hệ thống giáo dục ĐH trên thế giới.
PGS-TS Phương Lan cũng kiến nghị các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục ĐH nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, nhất quán; tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục ĐH trong việc thực thi quyền tự chủ.
Ngoài ra, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục; tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy; quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường…
“Bởi vì các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau, nếu không có được quyền tự chủ trong mặt này thì quyền tự chủ ở các mặt khác không thể phát huy đầy đủ được. Từ đó, các cơ sở ĐH được quyền tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế” – PGS-TS Phương Lan nêu rõ.