Tăng quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho các trường

(PLO)-  Để chuẩn bị cho năm học mới, thời điểm này ngành GD&ĐT TP.HCM đang gấp rút tuyển dụng giáo viên. Việc phân quyền tuyển dụng được TP đẩy mạnh để tăng tính tự chủ cho các trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TP.HCM phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức cho bảy đơn vị trường học, trong đó có ba trường theo mô hình tiên tiến và bốn trường thuộc huyện Cần Giờ.

Thiếu nhiều vị trí

Năm học mới, ngành GD&ĐT quận Tân Bình cần tuyển 326 viên chức, gồm 241 giáo viên (GV) và 85 nhân viên. Ứng cử viên ngoài đáp ứng điều kiện dự tuyển theo quy định, quận còn áp dụng chính sách tính điểm ưu tiên khi tuyển dụng tùy từng đối tượng như Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, quân đội, công an...

Quận sẽ xét tuyển theo hai vòng. Vòng 1 kiểm tra điều kiện dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển. Vòng 2 kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn.

Các ứng cử viên tham dự vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: THANH TÚ

Các ứng cử viên tham dự vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT TP.HCM.
Ảnh: THANH TÚ

Tương tự, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho biết năm học 2022-2023, quận thiếu 380 GV. GV thiếu nhiều ở các bộ môn tin học, mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh. “Hiện Phòng GD&ĐT đang chờ Sở Nội vụ giao chỉ tiêu biên chế năm học, từ đó mới tham mưu quận ban hành kế hoạch tuyển dụng” - ông Tuyên nói thêm.

Trong khi đó, ở khối THPT, theo Sở GD&ĐT, năm học 2022-2023, tuyển dụng 386 viên chức, trong đó 296 viên chức vị trí GV cho các đơn vị trực thuộc sở chưa phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức.

Theo ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TP.HCM, để nâng cao hơn nữa chất lượng đầu vào đối với đội ngũ viên chức trúng tuyển, kể từ năm học 2021-2022 đến nay, Sở GD&ĐT đã thay đổi hình thức tuyển dụng từ xét tuyển sang thi tuyển để tuyển được các viên chức là GV đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định hiện hành về chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với vị trí GV.

Tăng quyền tự chủ tuyển dụng

Tính đến nay, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phân cấp thực hiện tuyển dụng cho 24 đơn vị (trong đó có bảy đơn vị mới phân cấp thực hiện tuyển dụng áp dụng từ năm học 2022-2023).

Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ là một trong bảy đơn vị được phân cấp tuyển dụng từ năm học này. Theo ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, việc được tự chủ tuyển dụng giúp các trường chủ động tìm kiếm ứng cử viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế của đơn vị, giải quyết nhanh thiếu hụt về nhân sự. “Tuy nhiên, do năm đầu tiên thực hiện nên trường khá bỡ ngỡ trong khâu tổ chức. May mắn là trường luôn được Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể cách thực hiện” - ông Minh nói.

Năm học này trường có nhu cầu tuyển bốn GV gồm một tiếng Anh, một tin học, một sinh học và mỹ thuật. Đến ngày 15-8 là hết thời hạn nhận hồ sơ nhưng đến nay trường mới chỉ nhận được ba bộ hồ sơ gồm tiếng Anh và sinh học.

“Do trường ở khu vực ngoại thành nên nhiều người dù có nhu cầu cũng không mặn mà. Những năm trước có người được phân công về trường cũng không nhận nhiệm sở” - ông Minh bày tỏ.

Là một trong ba trường theo mô hình tiên tiến được tự chủ tuyển dụng, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay trường đang thông báo tuyển dụng bảy GV cho sáu bộ môn. Năm đầu tiên thực hiện, các khâu triển khai thi tuyển của trường giống hoàn toàn cách làm của sở, tuy nhiên trường tổ chức thi trên giấy. Bên cạnh đó, đối với vòng sát hạch, trường mời cán bộ quản lý từ các trường đại học, THPT tham gia. “Mục tiêu phải tuyển được GV có năng lực vào giảng dạy tại trường” - ông Phú nói.

Nói về việc phân cấp tuyển dụng, ông Lộc chia sẻ điều này sẽ giúp phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời chủ động trong tuyển chọn nguồn nhân lực phù hợp với chiến lược phát triển, với điều kiện thực tế của đơn vị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Để tránh xảy ra sai phạm, lạm quyền, nhũng nhiễu trong thực hiện tuyển dụng, theo ông Lộc thì ngay từ khi phân cấp thực hiện tuyển dụng, Sở GD&ĐT đã triển khai tập huấn công tác tổ chức tuyển dụng viên chức cho các đơn vị. Mặt khác, công tác tuyển dụng viên chức phải thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Bên cạnh đó, sau khi các đơn vị kết thúc tuyển dụng theo kế hoạch đã được phê duyệt, các đơn vị phải gửi báo cáo và nộp toàn bộ hồ sơ về Sở GD&ĐT để kiểm tra quy trình thực hiện.

“Nếu đơn vị để xảy ra tình trạng sai phạm trong công tác thực hiện tuyển dụng, Sở GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm minh, đúng quy định, đúng người, đúng việc” - ông Lộc nhấn mạnh.

Ký kết đào tạo

Để đảm bảo nguồn sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, từ tháng 3, Sở GD&ĐT đã ký kết đào tạo, bồi dưỡng với hai trường ĐH Sài Gòn và Sư phạm TP.HCM.

Đối với các vị trí GV thiếu nguồn tuyển dụng (tin học, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ), Sở GD&ĐT chỉ đạo tất cả đơn vị chủ động liên kết với nhau để chia sẻ GV thỉnh giảng (các trường hợp này phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học thỉnh giảng).

Ông TỐNG PHƯỚC LỘC, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ
Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm