LHP VIỆT NAM TỪ GÓC NHÌN 2009:

Từ nước mắt Lê Hoàng đến Sen Vàng 16

Từ nước mắt Lê Hoàng đến Sen Vàng 16 ảnh 1

Phim giải trí: không còn "nước mắt Lê Hoàng"

Những người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam có lẽ khó có thể quên được những giọt nước mắt của đạo diễn Lê Hoàng tại LHP Việt Nam lần thứ 14 khi anh cảm thấy mình cô đơn và bất lực trước những đồng nghiệp làm phim không cần khán giả trong buổi hội thảo Đi tìm giải pháp thu hút khán giả. “Giờ này mà chúng ta còn bàn chuyện phim có cần khán giả hay không thì chẳng khác gì hỏi cá có cần nước hay không” - Lê Hoàng nói.
Tại LHP Việt Nam lần thứ 14, chỉ có 2 trong tổng số 14 bộ phim tham dự tranh giải là phim giải trí và có khách (Gái nhảy của Lê Hoàng và Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng). Nước mắt của Lê Hoàng không chỉ là sự cô đơn, yếu thế, mà còn bởi vào thời điểm đó, làm phim ăn khách không khác gì… trọng tội, bị xem thường, bị nghi ngờ tư cách và cả bị rẻ rúng!

Gái nhảy của Lê Hoàng đã chứng minh một sự thật: phim Việt Nam vẫn có cơ hội kéo khán giả ra rạp, chứ không chỉ là những bộ phim tuyên truyền “cúng giỗ” chiếu một ngày rồi cất kho. Những cô gái chân dài của Vũ Ngọc Đãng ra mắt vào mùa hè 2004 cũng đánh dấu cột mốc lịch sử điện ảnh Việt Nam: đó là bộ phim điện ảnh tư nhân đầu tiên của một đạo diễn trẻ chưa từng làm phim nhựa. Đó cũng là bộ phim tư nhân duy nhất có mặt tại LHP Việt Nam lần thứ 14.

5 năm sau, thời thế đã thay đổi!

Chỉ trong 5 năm, những nhà làm phim tư nhân đã xây dựng được một mùa phim Tết cố định và phát triển cả về số lượng phim lẫn chất lượng doanh thu. Trong khi nhiều người hoài nghi rằng phim giải trí sẽ sớm lụi tàn, thì doanh thu tăng dần theo từng năm của Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết v.v… đã chứng minh điều ngược lại.

Không chỉ vậy, không ít phim giải trí không chỉ chiếm được tình cảm của số đông khán giả mà còn thu hoạch được cả giải thưởng điện ảnh và lời ngợi khen của giới chuyên môn. Trình độ tay nghề của những người làm phim giải trí ngày một vượt bậc - từ kỹ thuật làm phim (quay phim, âm thanh, kỹ xảo) cho đến kỹ năng kể chuyện (không chỉ dừng ở những giây phút giải trí mà mỗi bộ phim còn có cả những thông điệp rất gần gũi với công chúng).

Vì thế, nếu có ai phải khóc vì cô đơn lạc lõng tại LHP Việt Nam lần thứ 16, có lẽ đó sẽ là… những nhà làm phim nghệ thuật chân chính.

Phim nghệ thuật: Loay hoay đi tìm khán giả của mình

Nếu phim giải trí ngày một khẳng định được vị trí của mình trong lòng công chúng bởi tính đại chúng của nó, thì dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam vẫn loay hoay đi tìm kiếm khán giả của mình.

Ít dần đi sự tài trợ tuyệt đối của ngân sách Nhà nước, những bộ phim “không cần khán giả số đông” chật vật trong việc tìm kiếm ngân sách. Nếu như trước đây, các phim được gọi là “nghệ thuật” không phải cạnh tranh với phim giải trí, và ít ra còn đất sống trên mặt báo, thì ngày nay, những bộ phim nhạt thếch hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông. Không ít phim không một lần được ra rạp hoặc chỉ được trình chiếu dăm ba bữa (dù vẫn được các giải thưởng của Hội Điện ảnh).

Từ nước mắt Lê Hoàng đến Sen Vàng 16 ảnh 2


Thế nhưng, khi Nhà nước không còn bao cấp, và phim giải trí đang ngày một thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam, thì những nhà làm phim nghệ thuật chân chính ở Việt Nam lại có cơ hội thể hiện sự tâm huyết đam mê thật sự của mình, giúp họ bứt phá khỏi đám đông đạo diễn làm phim “giả nghệ thuật”.

 Những đạo diễn như Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên hay Phan Đăng Di tự thân vận động tìm kiếm nguồn tài trợ trong và ngoài nước để thực hiện bộ phim của mình. Một số hãng phim tư nhân cũng tham gia sản xuất phim nghệ thuật như Phước Sang (với Áo lụa Hà Đông), Chánh Phương (với Cú và chim se sẻ) v.v…

Những phim như Mùa len trâu, Áo lụa Hà Đông, Trăng nơi đáy giếng và gần đây nhất làChơi vơi, cho dù có đông khán giả hay không, sau khi đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế và quay trở về Việt Nam đã tạo ra được một đời sống phong phú của điện ảnh Việt Nam với những cuộc tranh luận đa chiều.

Chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật, các bộ phim này đã vượt bậc về công nghệ làm phim với kinh phí cao không thua kém bất kỳ phim giải trí nào. Nếu nhiều năm trước, các đạo diễn Việt Nam thường than phiền kỹ thuật làm phim của ta còn thô sơ đến mức các LHP quốc tế từ chối thẳng tay trước khi họ xem phim, thì nay, Chơi vơi hayTrăng nơi đáy giếng còn được chiếu bản âm thanh Dolby tại một số rạp đặc biệt.

 Thu âm trực tiếp đã không còn xa lạ với các nhà làm phim này - dù 5 năm trước không ít người lè lưỡi khi nhắc đến việc thu âm trực tiếp (xét về mặt này, các phim nghệ thuật đã đi trước phim mùa Tết, bởi phải đến năm nay phim Tết mới có một phim thu âm trực tiếp ra mắt công chúng).

Cũng chính vì thế, phim nghệ thuật Việt Nam không còn chỉ là “con hát mẹ khen hay” trong các cuộc bình bầu trong nước mà có cơ hội giới thiệu ra thế giới, có mặt và có giải tại những LHP quốc tế uy tín. Thế nhưng, những đạo diễn của dòng phim nghệ thuật vẫn trăn trở, không chỉ bởi họ khó tìm được trong công chúng khán giả của mình, mà tìm kiếm sự đồng cảm trên mặt báo cũng là điều khó khăn.

Phim nhà nước: Sống nhờ giải thưởng; phim tư nhân: Lớn khỏe nhờ người xem

Từ nước mắt Lê Hoàng đến Sen Vàng 16 ảnh 3

Mùa Tết 2010, các hãng phim tư nhân hoàn toàn thống lĩnh thị trường rạp phim Việt Nam. Nếu vài năm trước, hãng phim nhà nước Giải Phóng vẫn tung phim Tết (mở đầu với Gái nhảy, sau đó là Lọ lem hè phố, Lấy vợ Sài Gòn, Gió thiên đường) thì mùa Tết 2010 sắp tới sẽ hoàn toàn vắng bóng phim nhà nước. Bốn hãng phim tư nhân Chánh Phương, Thiên Ngân, hãng phim Việt và Phước Sang đã thâu tóm toàn bộ lịch phát hành phim từ giữa tháng 12/2009 đến giữa tháng 2/2010 (Bẫy rồng, Khi yêu đừng quay đầu lại, Nhật ký Bạch Tuyết, Những nụ hôn rực rỡĐể mai tính).

Mặc dù vậy, những phim tư nhân khó có cơ hội đoạt được những giải thưởng cao quý ở các giải thưởng trong nước, ngay cả khi công chúng, người trong nghề và một số thành viên ban giám khảo cảm thấy bộ phim xứng đáng!

LHP Việt Nam lần thứ 16 vẫn là cuộc chơi áp đảo của các phim Nhà nước sản xuất với 9 phim truyện trên tổng số 15 phim tranh giải. Đáng ghi nhận tại LHP 16 là sự góp mặt ngày một đông đảo các phim do đạo diễn Việt kiều thực hiện (3 phim).

Quản lý, báo chí và phê bình phim: Giậm chân thụt lùi

Điều đáng buồn nhất là đội ngũ phê bình phim vẫn giậm chân tại chỗ, không theo kịp đà phát triển của đội ngũ làm phim. Không có kiến thức chuyên môn về điện ảnh, không hiểu ngôn ngữ điện ảnh, rất nhiều phóng viên viết phê bình phim trên mặt báo không khác mấy so với một bài phê bình văn học.
 Tương tự, thiếu vắng những cuộc thăm dò nghiên cứu xã hội học một cách khoa học, các nhận định về mức độ quan tâm của khán giả Việt Nam với phim Việt Nam chỉ dựa trên cảm tính của người viết hơn là thể hiện tiếng nói của khán giả số đông. Nhiều bài báo nhận định khán giả quay lưng với phim giải trí, nhưng doanh thu của các bộ phim này vẫn cao chót vót.
Không hiếm bài báo chê bai phim nghệ thuật khó hiểu, rằng xem xong họ không thể hiểu nổi nhà làm phim muốn gì, nhưng họ quên rằng nguyên tắc quan trọng của phê bình phim là phải hiểu tác phẩm trước khi khen chê, và người viết phê bình phim có nhiệm vụ phân tích, chứ không chỉ đánh giá tác phẩm.

Ngay cả các giải thưởng điện ảnh trong nước cũng chưa bao giờ thực sự thuyết phục công chúng lẫn người trong nghề. Sau mỗi kỳ Bông Sen Vàng (LHP Việt Nam) hay Cánh Diều Vàng (Giải thưởng Hội Điện ảnh), sự “bất thường” của kết quả luôn là tâm điểm của những cuộc tranh luận trên mặt báo. Không chỉ dừng ở đó, dễ dàng nhận thấy ngay cả những giải thưởng điện ảnh trong nước cũng hoàn toàn thiếu vắng cả hạng mục chuyên môn quan trọng như dựng phim.
Các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Điện ảnh, Hội Diễn viên cũng không thật sự đem đến cho những người làm nghề một chỗ dựa vững chắc. Luật Điện ảnh ra đời chưa thực sự đem đến cho người làm nghề những hành lang pháp lý để phát triển, đồng thời với việc thiếu vắng những chính sách để phát triển điện ảnh trong nước khi phải đối mặt với sự tấn công của phim ngoại.

Từ nước mắt Lê Hoàng đến Sen Vàng 16 ảnh 4

Không xa xôi, ngay chính khẩu hiệu của LHP Việt Nam cũng đã thể hiện sự giậm chân của những người nắm vai trò quản lý và tổ chức điện ảnh: cả hai kỳ LHP Việt Nam 15 và 16 đều mang cùng một khẩu hiệu “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”. Ngay cả một khẩu hiệu sau ba năm cũng không thể đổi mới, mong chờ gì ở sự đổi mới mà những người tổ chức LHP đặt ra?

5 năm cho một bước nhảy xa

Trong suốt hơn 10 năm, trước khi Gái nhảy ra đời, phim Việt Nam chỉ quanh đi quẩn lại những phim về thời chiến tranh hoặc về thời đại hôm nay với những hậu quả của chiến tranh, với cái bóng cuộc chiến bao trùm trong hầu hết các tác phẩm điện ảnh, với sự nghèo nàn về thể loại phim, và cả thiếu vắng mùa phim thật sự.

Thế nhưng, chỉ trong 5 năm, kể từ khi tư nhân được tham gia sản xuất phim và Nhà nước giảm bao cấp, chúng ta có một mùa phim Tết, với những bộ phim có chất lượng và phong phú về thể loại (tình cảm, hài, kinh dị, hành động, dã sử, võ thuật, tâm lý, thần thoại và cả nhạc kịch) cũng như đề tài (thân phận người phụ nữ trong chiến tranh lẫn trong cuộc sống hiện đại, tâm sự giới trẻ học đường, bức bách về đời sống tình dục của giới trẻ thành thị hôm nay, cảnh sát chìm chống tội phạm quốc gia v.v...).

Kỳ vọng cho những năm tới, những người làm phim sẽ tạo ra những mùa phim khác, kéo gần khoảng cách giữa phim giải trí và phim nghệ thuật; rằng những nhà quản lý sẽ có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc phát triển điện ảnh; những người làm phê bình phim sẽ theo kịp được trình độ của người làm phim để có những đánh giá hữu ích cho người làm phim lẫn công chúng; và một kỳ LHP Việt Nam được tổ chức bài bản với những khẩu hiệu giản dị và gần gũi trên những tấm poster đẹp hơn về hình thức lẫn sâu hơn về ý nghĩa, với những kênh thông tin phục vụ công chúng quan tâm; và công chúng Việt Nam sẽ nói: “Phim Việt Nam sắp ra rạp nữa hả, chờ xem thôi!”

Theo Phan Xi Nê (TT & VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm