Thái Lan làm bóng đá chuyên nghiệp sau Việt Nam nhưng nền tảng rất chuyên nghiệp từ mô hình CLB đến cổ động viên (CĐV) sang đến chất lượng giải và chất lượng cầu thủ.
Bỏ ghế và “săn” ghế
Đó là nhờ bàn tay của “tổng công trình sư” Ong Art Kosingkha. Ông là tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan (FAT) nhưng trăn trở với sự tụt hậu của bóng đá Thái nên đã bỏ ghế xin sang Anh học làm bóng đá chuyên nghiệp trong thời gian dài. Sau đó trở về ông bắt tay vào việc tái thiết và đưa ra quỹ đạo Thai-League gắn với sự phát triển tịnh tiến đến các lứa cầu thủ ở đội tuyển.
Trong khi đó bóng đá Việt Nam với ông Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn (cũng vừa được phong thêm chức phó chủ tịch thường trực VFF) lại ôm quá nhiều ghế, quá nhiều chức vụ trong khi nhiều người giỏi, những người có kinh nghiệm làm bóng đá chuyên nghiệp phải ra khỏi ngôi nhà VFF. Mới đây vừa bị mất ghế AFC ông lại được đẩy vào ghế phó chủ tịch AFF (LĐBĐ châu Á) mà ông Dương Vũ Lâm ngồi từ trước đến giờ. Việc kiếm ghế của ông phó chủ tịch VFF này là bất tận nhưng cuối cùng ông đã làm được gì cho bóng đá Việt Nam?
Ong Art Kosingkha (ảnh nhỏ, trên) và ông Trần Quốc Tuấn (ảnh nhỏ, dưới), hai nền bóng đá ảnh hưởng không ít vào trách nhiệm và mục đích của những người lãnh đạo. Ảnh: CTV
Đây là một vấn đề rất nghiêm túc mà Tổng cục TDTT lẫn Bộ VH-TT&DL nên nghiêm túc nhìn nhận một cách thấu đáo về người duy nhất của Bộ đưa vào vị trí lãnh đạo VFF.
Trước tiên hãy trở lại và nói về vị “kiến trúc sư” cho nền bóng đá Thái Lan - Ong Art Kosingkha. Ông chỉ giữ duy nhất chức tổng thư ký FAT. Những năm trước khi bóng đá Thái Lan lạc lối và mất ngôi vị số một Đông Nam Á, cũng là lúc ông rời ghế thân chinh khăn gói sang Anh một mình học điều hành và tổ chức của Premier League rồi chắt lọc bóng đá Anh mang về ứng dụng vào Thai-League. Về nước ông ngồi lại với FAT ra một định hướng chiến lược và lộ trình buộc các CLB phải theo mô hình mới của ông thì bóng đá Thái mới lên chuyên nghiệp một cách nghiêm túc. Từ “chất xám” học được của ông, các CLB bắt đầu có những đổi mới rất mạnh mẽ, từ chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ từng CLB cho đến lực lượng CĐV và cả các hoạt động làm kinh tế lẫn phát triển công nghệ giải trí quanh CLB và sân bóng đá của CLB. Riêng cơ cấu các giải nội địa của Thái cũng rất giống các giải Anh, Thai-League gồm 18 CLB, League Cup và Cúp Quốc gia. Các sân bóng của các CLB Thái Lan không quá hoành tráng, chỉ chừng 15.000 khán giả trở xuống nhưng mặt sân cỏ rất chất lượng. Đến nay Thái Lan tự hào các sân nhà của 18 CLB đều có mặt cỏ được trồng bằng loại cỏ chỉ và mặt sân như trải thảm. Việc thực hiện mặt sân này là bắt buộc và luôn được kiểm tra gắt gao.
Con số 30 tỉ và 170 tỉ đồng
Khán giả đến cổ vũ cũng rất chuyên nghiệp. Chất lượng các trận đấu tăng cao không ngừng và các nhà tài trợ xếp hàng để được tài trợ cho các CLB. Và khi đã chỉn chu, chuyên nghiệp thì tư thế và cách thu tiền với đối tác, với các nhà tài trợ của Thai-League cũng khác rất xa so với Việt Nam. Có thể thấy rõ trong khi V-League mừng húm khi nhà tài trợ Toyota ghé mắt tài trợ mùa 2015 30 tỉ đồng thì cũng nhà tài trợ này phải bỏ ra khoảng 170 tỉ đồng mới chen vào Thai-League được.
Các CLB đứng thứ hạng cao được tham dự những giải châu lục, điều này làm cho các cầu thủ trui rèn ở những giải đấu cao khiến chất lượng cầu thủ tăng cao… Và kết quả là các đội tuyển quốc gia khi được tập trung hưởng lợi rất nhiều.
Ong Art Kosingkha là dân “ngoại đạo” nhưng ông làm đúng phần việc của mình và làm rất xuất sắc. Ông không ngừng đẩy bóng đá Thái Lan lên những tầm cao mới. Chỉ một chiếc ghế tổng thư ký mà có lần ông bỏ dở thế mà ông Kosingkha đã nâng tầm, nâng chất nền bóng đá Thái Lan tiến bộ không ngừng. Ông cũng rất ít xuất hiện trước công chúng và cũng không bon chen chuyện phải đấu đá hay phải chạy để có nhiều ghế ở AFF, AFC bởi ông cần thời gian thực thụ điều hành bóng đá Thái thay vì họp hành đấu ghế.
Với bóng đá Việt Nam, việc một người ngoại đạo như phó chủ tịch thường trực, phụ trách chuyên môn kiêm cả chủ tịch Hội đồng HLV và hơn 10 chức danh khác như ông Trần Quốc Tuấn chỉ thấy phần ghế được dày ra chứ không thấy những thực tế mà ông xắn tay cho bóng đá Việt Nam. Trận giao hữu giữa U-23 Việt Nam với U-23 Myanmar, nhiều người mắt tròn mắt dẹt khi thấy ông đi xe mà trước đây ông cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đi nhưng biển trắng đã chuyển sang biển số xanh 80 lại có cả còi hụ dẫn đường đến tận sân Cẩm Phả.
Mới đây vừa trở về từ SEA Games vài ngày, đội còn chưa tổng kết rốt ráo, nghiêm túc và vụ tố cáo nhận hối lộ còn chưa đâu vào đâu thì ông lại dẫn vụ trưởng, vụ phó tổ chức Tổng cục TDTT sang Nhật Bản bằng kinh phí của VFF để “đi học làm bóng đá”.
Từ câu chuyện săn ghế đến “tổng công trình sư” Ong Art Kosingkha không biết Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL nghĩ thế nào về người của mình đưa sang VFF để phát triển bóng đá Việt Nam?