Vụ việc ông Triệu Đức Nhật (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) dùng clip tố cáo một cán bộ TAND huyện mua dâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều người cho rằng bất cứ công dân nào cũng có quyền tố cáo cán bộ vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật. Thế nhưng cách thu thập chứng cứ và thời điểm nào tố cáo được coi là phù hợp mà không vi phạm luật thì không phải ai cũng biết.
Thu thập chứng cứ phải hợp pháp
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM), trước hết phải khẳng định hành vi quay lén của ông Nhật là xâm phạm đời tư cá nhân và quyền về hình ảnh của người khác theo Điều 38 và Điều 31 BLDS.
Cách thức ông Nhật thu thập chứng cứ để dùng làm căn cứ tố cáo cũng không hợp pháp vì đó là hành vi lén lút. Chỉ riêng việc quay lén để xem cũng đã vi phạm BLDS, chưa nói đến việc dùng nó để tố cáo. Bởi theo BLDS, để một sự vật trở thành chứng cứ thì nó phải được thu thập hợp pháp và đúng quy trình.
Vậy ghi hình làm chứng cứ để tố cáo thế nào được coi là hợp pháp? Luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nói: “Ít nhất nó phải được thu thập công khai hoặc bí mật với người này nhưng công khai với người kia”. Ví dụ anh A. đang đi đường và thấy CSGT đang “làm luật” liền móc điện thoại ra lén ghi hình lại làm chứng cứ gửi cho cơ quan của họ để xử lý. Lúc này những người đi đường hoặc người ở nơi anh A. đứng có thể nhìn thấy anh A. quay lén, tức là đây là chứng cứ hợp pháp. Tất nhiên mục đích anh A. làm phải là tố cáo hành vi sai phạm của CSGT chứ không vì mục đích gì khác.
Cũng theo luật sư Tám, tố cáo cán bộ nhà nước sai phạm về đạo đức hoặc pháp luật là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, mục đích ghi hình để tố cáo rất quan trọng vì nó đánh giá được người này có ngay tình hay không. Nếu tố cáo hành vi sai phạm đó vì mục đích cá nhân hoặc vì lợi ích riêng thì bản thân người đi tố cáo đã vi phạm pháp luật. Còn nếu tố cáo vì mục đích chung, vì lợi ích cộng đồng làm cho xã hội tốt hơn thì rất tốt và cần được biểu dương.
Phải tố cáo ngay!
Trở lại vụ ông chủ nhà nghỉ Triệu Đức Nhật, bản thân ông cho biết việc ghi hình thực hiện từ khoảng năm 2008. Khi “chạy án” cho vợ không thành thì ông mới dùng để tố cáo nhằm đòi lại tiền vì theo ông cán bộ này cũng nhận tiền của ông. Trong đơn ông cũng cho biết đang lưu trữ nhiều clip mua dâm của nhiều cán bộ khác và sẽ tiếp tục làm đơn tố cáo...
Theo Thẩm phán Hoàng Văn Hải (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) thì cách thức người dân tố cáo cán bộ nhà nước cũng rất quan trọng, nếu có chứng cứ hợp lệ thì phải tiến hành tố cáo ngay. Cụ thể là giao nộp ngay cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các cơ quan tố tụng như công an, VKS, tòa án. Nếu thu thập hợp pháp nhưng lại dùng nó không kịp thời và không đúng mục đích thì cũng vi phạm. Việc ông Nhật đã ém chứng cứ lại để nhằm khi việc của mình nhờ vả không đạt được thì mới tung ra tố cáo giống như kiểu trả thù, là hành vi không chấp nhận được. Nó hoàn toàn không kịp thời, mang động cơ cá nhân và ý đồ xấu. Do vậy muốn để chứng cứ có giá trị và chứng minh động cơ của mình thì người tố cáo phải giao nộp ngay.
Viện trưởng VKSND quận 5 (TP.HCM) Nguyễn Kim Tiếng cho rằng với hành vi của ông Nhật, tùy mục đích sử dụng clip có thể có các hình thức chế tài khác nhau. Nếu lén quay và lưu trữ nhưng chỉ để xem thì vừa vi phạm đạo đức vừa xâm phạm đời tư người khác, xử lý bằng BLDS. Nếu xem rồi cho bạn bè, người thân cùng xem thì có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Nếu phát tán trên mạng cho nhiều người cùng xem hoặc in, sao chép ra và mang đến phát tán ở nơi công cộng như chợ, trường học... thì lại có dấu hiệu của tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, như đã phân tích trong vụ này ông Nhật mới chỉ vi phạm nguyên tắc trong BLDS.
Quay clip để phòng bất trắc! Ông Triệu Đức Nhật cho biết việc lắp đặt camera quay clip là để phòng… bất trắc. Ông trình bày vợ ông đứng chủ kinh doanh nhà nghỉ Nhật Linh tại Km 68, xã Ea Týh, huyện Ea Kar. Nhà nghỉ này có ba phòng. Trong quá trình kinh doanh, một số công an vẫn thường xuyên lui tới nhà nghỉ “làm phiền”. Vợ chồng ông được một người quen làm trong ngành công an mách nước lắp đặt một camera kín tại một phòng nhà nghỉ để “đề phòng”. Tại phòng nghỉ lắp camera này, từ năm 2008 đến 2011, vợ ông Nhật đã quay lại được clip mua dâm của cán bộ tòa án nói trên và nhiều cán bộ khác của huyện. Toàn bộ các clip này được lưu giữ lại. Năm 2011, vợ ông Nhật bị bắt và bị xử năm năm tù tội chứa mại dâm. Vì vụ án này, ông Nhật đã bán nhà nghỉ và bỏ ra 200 triệu đồng để “chạy án” cho vợ. Ông Ng.V.B. nằm trong số người được ông Nhật đưa tiền “chạy án”, tuy nhiên vợ ông vẫn không thể thoát tội và ông nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được. Mới đây, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, ông Nhật vô tình tìm được clip mua dâm của ông Ng.V.B. nên đã làm đơn tố cáo với mục đích đòi lại số tiền “chạy án”. ĐẠI DŨNG Huyện ủy Ea Kar đang xác minh Ông Nguyễn Xuân Cử - Phó Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Nhật đối với ông Ng.V.B. (cán bộ tòa án huyện) thì cơ quan này đang khẩn trương làm rõ, nếu đúng như tố cáo thì sẽ kiên quyết xử lý, không bao che. Hiện Thường trực Huyện ủy đã mời ông Ng.V.B. lên làm việc và yêu cầu viết bản tường trình chi tiết. Theo ông Cử, ông Ng.V.B. đang là huyện ủy viên nhiệm kỳ 2010-2015 và thuộc diện cơ cấu. |