Từ ngày đầu khai mạc, một lượng khách rất lớn đổ về đây tham quan, thưởng lãm và mua trái cây tươi ngon, độc lạ từ Bến Tre, Vĩnh Long… Rất nhiều mặt hàng đã hết veo chỉ vài giờ sau khai mạc.
Rộn ràng lễ hội trái cây
Chị Trần Thị Ngọc Châu (Công ty Nông sản Tâm Ngọc - thành viên Hợp tác xã 4.0) kể chuyện tuần lễ trái cây mọi người đến khá đông, lượng hàng chị bán khá chạy. Nhiều mặt hàng chỉ nghĩ trưng bày, như quả bí thiên nga chị mang trưng chơi, ai dè bán sạch, “người ta mua quá trời”.
“Tui mang mấy chục trái, tính mang lên cho phong phú mặt hàng thôi. Bí này đa số người ta trưng trong lễ hội nhiều, ăn thì ít nhưng vẫn ăn được, vị lạ thôi. Tui mang trưng mà ai dè người ta mua quá chừng. Ban đầu tính không bán nhưng thấy mọi người nhiệt tình quá, tui bán luôn. Hoa quả tui bán đây có mã vạch truy xuất nguồn gốc hết” - chị Ngọc Châu rổn rảng kể chuyện.
Lễ hội trái cây “Trên bến, dưới thuyền” nhưng thực tế chỉ có trên bến. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
“Cái này cái gì vậy?”, “Cái gì lạ vậy?”… la liệt người xúm vào rổ bí thiên nga chỉ chỉ rồi hỏi mua. Quả bí nhỏ nhỏ, mỗi quả bán với giá 70.000 đồng. Cái rổ đầy mấy chục quả, vậy mà xíu còn chỏn lỏn ba quả.
Gian hàng sầu riêng của chị Thúy Loan ở tuần lễ trái cây nằm lẻ bóng một góc, cách khá xa vị trí tổ chức khai mạc, vậy mà khách tới liên tục. Vài tiếng đồng hồ, gần nửa tấn sầu riêng Bến Tre đã sắp hết. Chị Loan thoăn thoắt khui sầu riêng để vào hộp cho khách. Chị bán ba loại: 50.000 đồng/kg, 70.000 đồng/kg và mắc nhất là 90.000 đồng/kg.
Chị bảo gia đình chị bán sầu riêng đã ba đời. Ngày thường, cả ngày chị chỉ bán được khoảng 200 kg sầu riêng. Nhưng trong lễ hội trái cây lần này, chỉ khoảng 2 giờ sau lễ khai mạc, gần 500 kg sầu riêng Ri6 gia đình chị mang từ Bến Tre lên đã “cháy hàng”.
Lễ hội trái cây “Trên bến, dưới thuyền” diễn ra từ ngày 28-5 đến 4-6 (nhằm ngày 28-4 đến 6-5 âm lịch) tại tuyến đường Bến Bình Đông (phường 13 và phường 14, quận 8, TP.HCM) nhận được nhiều sự quan tâm nhưng cũng khiến không ít người thất vọng.
Làm chưa tới
Trước đó, Chợ hoa xuân “Trên bến, dưới thuyền” ở bến Bình Đông (quận 8) được xem là nét đẹp đặc trưng mỗi mùa tết đến xuân về của người Sài Gòn. Bởi vậy khi nghe tin Tuần lễ trái cây “Trên bến, dưới thuyền” lần đầu được tổ chức ở quận 8, không ít người háo hức, mong đợi. Từ nhiều ngày trước khi diễn ra, thông tin lễ hội đã liên tục được báo, đài, các trang mạng xã hội chia sẻ rầm rộ.
Không đơn thuần là mọi người mong được thưởng thức trái cây tươi ngon mà quan trọng là không gian văn hóa Nam bộ “Trên bến, dưới thuyền” - nét đặc trưng địa lý riêng có ở bến Bình Đông (quận 8). Tuy nhiên, không ít người bày tỏ sự thất vọng khi đến với lễ hội này vì theo họ, ban tổ chức tuần lễ trái cây làm chưa tới.
Nhiều nhiếp ảnh gia đến Lễ hội trái cây “Trên bến, dưới thuyền” ở quận 8 nhưng phải đi về. Vì trái cây chỉ thấy trên bến, dưới thuyền chẳng có, thậm chí chỉ lèo tèo mấy con thuyền, không có gì để chụp.
“Khi nghe về lễ hội trái cây lần đầu tiên được tổ chức ở quận 8, tôi mừng lắm! Nhóm nhiếp ảnh gia rồi bạn tôi tình cờ đợt này cũng ở nước ngoài về kéo nhau qua bến Bình Đông từ sáng sớm. Mà sang chỉ có trên bến thôi, dưới thuyền không thấy gì. Cả đám đi uống cà phê rồi đi về, có gì đâu mà chụp. Muốn mua trái cây thì ra chợ mua chứ chen lấn chi ở đây cho cực” - một nhiếp ảnh gia trải lòng.
Khi nghe tin về Tuần lễ trái cây “Trên bến, dưới thuyền” ở bến Bình Đông, anh đã hình dung ra rằng sẽ có một chương trình lễ hội đặc sắc đậm nét Nam bộ ở đó. Bởi không ở quận, huyện nào trên địa bàn TP.HCM có vị trí đắc địa như bến Bình Đông (quận 8).
“Tôi nghĩ sẽ có kinh doanh trên bến, dưới thuyền, giống như đi Ninh Kiều (Cần Thơ) mua đồ dưới thuyền. Chúng tôi mang máy ảnh, mang flycam để có được nhiều góc quay hơn. Mà đi không có gì đặc sắc. Nếu chỉ buôn bán trái cây vậy thì tổ chức ở đâu cũng được, chứ đâu cần làm ở bến Bình Đông” - anh nói.
Trước dư luận, phía UBND quận 8 đã nắm được tình hình và cũng nhận ra nhiều bất cập.
Theo UBND quận 8, trong những ngày tổ chức tuần lễ trái cây, mực nước kênh Tàu Hủ thấp hơn mực nước 1-1,2 m. Nhiều khách cũng đề nghị được xuống ghe nhưng làm vậy không đảm bảo an toàn cho khách.
Ghe chở trái cây thường mất khoảng 20-22 giờ/chuyến từ Vĩnh Long lên kênh Tàu Hủ, nếu đi đường giao thông mất khoảng 3,5-4 tiếng đồng hồ. Trưa 4-6, phía ban tổ chức đã đến gặp các nhà vườn, nhiều người ban đầu sợ bán không hết nên chỉ mang ít, không ngờ bán chạy, các nhà vườn hỏi có được đăng ký bán trái cây tết nữa không.
“Những ngày tết, khi thực hiện chợ hoa xuân, thường chúng tôi phải tháo dỡ 5-6 m lan can. Mỗi lần tháo phải xin ý kiến TP. Việc này gặp khá nhiều khó khăn. Quận 8 cũng thấy được điều đó, cũng trao đổi những biện pháp điều chỉnh. Quận 8 đề xuất gửi TP: Từ đây đến tháng 11 sẽ ngầm hóa mạng lưới điện, thực hiện 4-5 bến để thuận lợi cho khách lên xuống…” - đại diện UBND quận 8 cho hay.
Phải hiểu để tái hiện đúng văn hóa lịch sử bến Bình Đông
Ngày xưa có lần tôi đi Chợ Lớn, lạc ra bến Bình Đông. Khung cảnh ngày xưa đẹp lắm, nhà xưa rất đẹp, khung cảnh buôn bán nhộn nhịp “Trên bến, dưới thuyền”, những công trình lịch sử…
Nếu muốn làm lại Lễ hội trái cây “Trên bến, dưới thuyền” thì phải nghiên cứu lại lịch sử, tái hiện nhưng không đơn giản bởi không chỉ có công trình mà còn là con người. Cái quan trọng là vai trò nghiên cứu văn hóa lịch sử, hiểu về bến Bình Đông có giá trị của nó. Nghiên cứu hiện trạng cảnh cũ người xưa còn ai không? Tôi sợ không còn thôi. Nếu còn thì đó là cái sườn để tái hiện. Lễ hội phải có cơ sở vật chất, phố xá…
Nếu mất hết thì phải là doanh nghiệp đứng ra làm, chẳng hạn như chợ nổi Cái Răng. Phải hiểu để làm mới. Nhưng như vậy thì đây là dự án kinh doanh. Ai sẽ đứng ra làm? Đơn vị nào sẽ đứng ra làm, là Nhà nước hay tư nhân? Trước đó, xây đường Võ Văn Kiệt phải có chương trình nghiên cứu đàng hoàng. Vẫn có thể làm đường nhưng đừng phá đi giá trị bến Bình Đông…
Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN