Tuyển giáo viên nước ngoài chỉ là tình thế

Tuyển giáo viên nước ngoài chỉ là tình thế ảnh 1

Ông Nguyễn Vinh HIển - Ảnh: Vĩnh Hà

Ông Hiển cho biết: Việc quản lý chất lượng giáo viên nước ngoài do các địa phương tuyển dụng, đối với các nhà trường phổ thông thì đây là một việc mới nên chưa có hướng dẫn của bộ. Tuy nhiên, việc có giáo viên là người nước ngoài dạy ở một số cơ sở giáo dục khác hoặc trong một số trường phổ thông ngoài công lập không phải là mới và chưa gặp phải sự phản ứng nào. Cũng đã có một số địa phương cử giáo viên tiếng Anh đi nước ngoài tu nghiệp nâng cao năng lực, đây cũng là hướng tốt.

* Để thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia, một số sở GD-ĐT hiện nay đã chọn phương án tuyển dụng giáo viên người nước ngoài với mức lương chi cho giáo viên rất cao so với mức chi cho giáo viên trong nước. Có nơi thực hiện xã hội hóa (thu tiền của người học) để thuê giáo viên nước ngoài. Việc này Bộ GD-ĐT có khuyến khích không?

- Hiện nay một số địa phương đã thuê giáo viên người nước ngoài dạy trong các trường của địa phương nhằm mục đích khắc phục tình trạng trước mắt là thiếu giáo viên có năng lực về tiếng Anh và năng lực sư phạm đáp ứng nhu cầu dạy học. Đây chỉ là giải pháp tình thế và thuộc trách nhiệm của địa phương. Mặc dù đề án ngoại ngữ không đặt ra giải pháp này nhưng nếu giải pháp được triển khai sẽ giải quyết được nhu cầu thực tế, dựa trên sự tự nguyện của người học, có sự quản lý chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng lao động nước ngoài thì cũng là việc nên làm ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu.

* Hiện nay trên cả nước vẫn có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh, trong đó nhiều người có thâm niên dạy học 10-20 năm. Nhưng nhiều địa phương đang thực hiện việc đào thải hàng loạt giáo viên tiếng Anh vì không đạt yêu cầu. Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc này thế nào?

- Thực trạng hiện nay có nhiều giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm. Để khắc phục tình hình này, đề án ngoại ngữ đang tiến hành các giải pháp rà soát năng lực giáo viên để bố trí cho những người chưa đạt chuẩn đi học những lớp bồi dưỡng phù hợp với năng lực hiện có của họ, kể cả giáo viên trong biên chế và giáo viên hợp đồng. Bộ chỉ đạo các trường chỉ triển khai dạy theo chương trình mới (của đề án) khi có giáo viên đạt chuẩn, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị cho đủ điều kiện, khi đó mới triển khai.

Mặc dù động viên sự cố gắng nhưng đề án không thúc ép các địa phương về thời hạn. Bộ cũng yêu cầu không công bố danh sách các giáo viên chưa đạt chuẩn, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đi học. Không đặt ra vấn đề đào thải các giáo viên chưa đạt chuẩn nếu chưa tạo đủ điều kiện cho họ được học bồi dưỡng.

* Về lâu dài, để đáp ứng số lượng giáo viên tiếng Anh là người VN có trình độ đạt chuẩn của đề án, Bộ GD-ĐT có kế hoạch đào tạo giáo viên thế nào?

- Bộ đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh về năng lực ngoại ngữ, về năng lực sư phạm và tiêu chí đánh giá để các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên áp dụng. Tuy nhiên, vì yêu cầu phải đảm bảo chất lượng bồi dưỡng nên việc giao nhiệm vụ cho cơ sở nào phải xem xét các yếu tố đảm bảo, mặt khác cũng không thể một lúc cử được tất cả giáo viên đi học bồi dưỡng. Chúng ta cũng khuyến khích giáo viên tự học thường xuyên để không quên kiến thức mà ngược lại, phải nâng cao dần năng lực trong quá trình công tác. Bộ đang xúc tiến xây dựng các chương trình phần mềm để giáo viên tiếng Anh sử dụng máy tính và mạng Internet để tự học.

Đối với việc đào tạo mới giáo viên tiếng Anh, bộ đã chỉ đạo xây dựng mới các chương trình của trường sư phạm đáp ứng các yêu cầu đào tạo sinh viên đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của đề án.

Phải “chọn mặt gửi vàng”

* Hiện một số sở GD-ĐT đều thông qua một trung tâm môi giới ở TP.HCM để tuyển giáo viên tiếng Anh người nước ngoài (giáo viên Philippines) và trả lương giáo viên qua công ty đó chứ không trả trực tiếp. Ông có bình luận gì về việc này?

- Trong khi chưa đủ năng lực để tuyển chọn giáo viên tiếng Anh người nước ngoài thì việc phải nhờ vào một tổ chức có đủ uy tín là điều cần thiết. Việc này, một số trường đại học, kể cả trường chuyên đào tạo ngoại ngữ, đã làm. Vấn đề là phải “chọn mặt gửi vàng” và cần có quy định rõ ràng về xử lý trách nhiệm của mỗi bên!

Tôi không có ý kiến về việc không trả lương trực tiếp cho giáo viên người nước ngoài vì không rõ có những điều khoản gì ràng buộc các bên tham gia vào việc thuê mướn giáo viên. Dù trả lương bao nhiêu thì vẫn phải thực hiện việc kiểm soát chất lượng dạy học và giáo dục, việc này nên được thể hiện ngay trong hợp đồng.

Theo VĨNH HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm