Chiều 14-12, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm định, khảo thí và tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024.
Tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS
Năm học 2023-2024, thông qua việc triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, Sở GD&ĐT đã thí điểm áp dụng phân bổ học sinh (HS) theo bản đồ GIS kết hợp với thông tin nơi ở trong dữ liệu dân cư từ Đề án 06 (của Bộ Công an) tại ba đơn vị là TP Thủ Đức, quận 8, quận Tân Bình. Mục tiêu của việc này là phấn đấu mỗi HS sẽ được học tại trường gần nhà.
Hệ thống này đã cung cấp cho cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh có một cái nhìn tổng quan các dân cư thuộc địa bàn, giúp việc phân bổ HS vào các trường phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cho biết bản đồ GIS chỉ là một công cụ hỗ trợ. Đối với những địa phương nào có đủ trường lớp, bản đồ GIS rất phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều địa phương dù có đủ các trường học nhưng phân bổ trường lớp không đều. Do đó, không phải ở đâu cũng có thể bố trí chỗ học theo bản đồ GIS.
Cũng là một trong ba địa phương tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, cho hay công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn do một số HS không có mã định danh nên Phòng GD&ĐT phải hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không biết đăng ký bằng điện thoại thông minh nên bộ phận phổ cập cũng mất nhiều thời gian.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết so với các năm trước, thời gian chấm thi vào lớp 10 năm nay cũng sẽ được rút ngắn để phụ huynh khỏi hồi hộp trông mong.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện, dù được phân tuyến theo bản đồ GIS nhưng một số phụ huynh sau khi được phân tuyến lại muốn chuyển trường. Có phụ huynh vì muốn cho con học vào trường điểm của quận nên ghi bừa địa chỉ, đến giai đoạn kiểm tra hồ sơ tại trường mới phát hiện. “Trong năm học tới, để giải quyết tình trạng này, quận 8 sẽ phối hợp chặt chẽ với công an trong việc xác định tình trạng cư trú của người dân để phục vụ công tác tuyển sinh” - ông Hưng nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết bản đồ GIS đã giúp cho các phòng GD&ĐT có thể phân bổ HS vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu.
Đặc biệt từ việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của HS từ các đơn vị, Sở GD&ĐT đã có một cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai có phù hợp với sự phát triển dân số của từng khu vực.
Tuy nhiên, việc áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh nên đóng vai trò là công cụ hỗ trợ kết hợp với công tác phổ cập, rà soát, phân bổ địa bàn trong việc phân bổ HS vào các trường. Nếu chỉ áp dụng GIS trong công tác tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như công tác phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư, thiếu HS cục bộ ở một số trường.
“Phòng Khảo thí sẽ có báo cáo và xin ý kiến ban giám đốc triển khai bản đồ GIS trên toàn địa bàn TP trong năm tiếp theo trong tuyển sinh đầu cấp” - ông Khoa nhấn mạnh.
Điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, các môn thi và phương thức thi giữ nguyên như năm trước.
Thời gian tổ chức kỳ thi dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6. Tuy nhiên, thời gian cụ thể phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để đảm bảo hai kỳ thi không cùng thời điểm.
Rút kinh nghiệm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học này sẽ có sự điều chỉnh.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa cho biết thêm trong thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ thống kê và phân tích chi tiết toàn bộ dữ liệu thi vào lớp 10 trong ba năm gần nhất trên toàn TP theo quận, huyện và các trường THCS.
Đồng thời kết hợp với dữ liệu địa chỉ nhà, khoảng cách từ nhà đến trường của HS qua hai năm thí điểm áp dụng bản đồ GIS, đưa ra các đánh giá về công tác đăng ký nguyện vọng và kết quả tuyển sinh của từng trường.
Sở sẽ phối hợp với các phòng GD&ĐT tiến hành rà soát toàn bộ quy trình tư vấn của một số trường THCS có tỉ lệ cao thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ…
Trên cơ sở rút kinh nghiệm kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm ngoái, Sở GD&ĐT đang xây dựng các phương án tuyển sinh, thay đổi toàn bộ quy trình xét nguyện vọng vào lớp 10 ở các trường THPT công lập để từng bước giảm dần số HS trúng tuyển nhưng không nhập học.
Đề thi vào lớp 10 sẽ tăng cường vận dụng thực tiễn
Kỳ thi vào lớp 10 công lập TP.HCM năm 2024 gồm ba môn toán, văn, ngoại ngữ.
Trong đó, toán và văn có thời gian làm bài 120 phút, ngoại ngữ 90 phút. Nếu đăng ký vào lớp 10 chuyên, tích hợp, thí sinh làm thêm bài môn chuyên, tích hợp trong 150 phút.
Nội dung đề thi lớp 10 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi không chỉ dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học của HS mà chú trọng kiểm tra năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic. Sở GD&ĐT chủ trương tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế.
Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM