Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: Nếu không chuẩn bị sẽ 'vỡ trận' tuyển sinh đầu cấp

(PLO)- Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện, TP Thủ Đức cần phải tập trung xây dựng trường lớp, tham mưu quận ủy, ủy ban dành đất quy hoạch cho giáo dục. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 4-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện các Đề án, Chương trình, Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy theo Quyết định 4887/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2015 của UBND TP về thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

"Nhiều hiệu trưởng sắp về hưu không mặn mà sửa sang trường lớp"

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đây là năm đầu tiên TP.HCM triển khai tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh nói chung đã hoàn tất. Một số quận huyện đang giải quyết số phụ huynh gặp trục trặc trong đăng ký hay gặp khó khi thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời báo chí bên lề cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời báo chí bên lề cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ông Hiếu cho biết, năm học này, số học sinh lớp 6 tăng 42.000 em so với năm ngoái, khiến khả năng tiếp nhận của các trường THCS trở nên quá tải.

Do đó, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức phải chú trọng và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt xây dựng trường lớp.

Trưởng phòng GD&ĐT phải thường xuyên tham mưu quận ủy, ủy ban để dành đất quy hoạch cho giáo dục.

"Bởi nếu không có kế hoạch, không khéo vài năm nữa, chúng ta sẽ vỡ trận trong tuyển sinh đầu cấp. Bình quân một năm học sinh tăng 10.00-15.000 ở các độ tuổi, riêng năm nay lớp 6 tăng đột biến" - ông Hiếu nói và cho biết các địa phương phải rà soát học sinh trong độ tuổi, quy hoạch và dự báo để việc tuyển sinh ngày càng thuận lợi hơn.

Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức phải chú trọng và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt xây dựng trường lớp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị, các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức phải chú trọng và quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt xây dựng trường lớp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cũng theo ông Hiếu, trong chương trình nghị quyết 46 của Thành ủy yêu cầu đến năm 2020, 100% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Nhưng thực tế, vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhiều trường THPT xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời vì nhiều lý do kinh phí, kế hoạch khó khăn.

"Tuy nhiên, tôi nghe thông tin do hiệu trưởng chuẩn bị về hưu nên không chịu sửa chữa trường học.

Vấn đề này tôi đề nghị phó giám đốc phụ trách và trưởng phòng kế hoạch tài chính kiểm tra, giao cho các trường thực hiện nghiêm túc. Còn nếu lấy lý do tôi chuẩn bị nghỉ hưu nên không muốn sửa chữa thì không được, không làm được thì nghỉ"- ông Hiếu nói.

Kiên trì thực hiện chương trình tích hợp

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay dư luận đang rất quan tâm đến việc dạy và học môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại TP.HCM, đã có sự đón đầu và chuẩn bị cho môn học này một cách bài bản. Các phòng chuyên môn của Sở đã ngồi lại với các khoa của Trường Đại học Sài Gòn để bàn về vấn đề tập huấn đội ngũ các môn học này từ rất sớm. Năm 2019 đã xác định được nội dung và 2020 bắt đầu bồi dưỡng thầy cô dạy các môn khoa học tự nhiên, và lịch sử và địa lý.

Tiết học môn khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tiết học môn khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thực tế, việc bồi dưỡng giáo viên diễn ra trong thời gian ngắn nên năm đầu tiên triển khai nhiều thầy cô cảm thấy chưa tự tin. Sau đó, phòng Giáo dục trung học đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về chuyên môn để lắng nghe thầy cô gặp khó khăn ở đâu và tháo gỡ.

"Vì thế, TP.HCM phải kiên trì, phải quyết tâm dạy học tích hợp, thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT và đặc biệt theo tinh thần nghị quyết 88 của quốc hội" - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, đến nay nhiều hiệu trưởng cho biết, sau một thời gian trải nghiệm, giáo viên đã tự tin dạy các môn tích hợp. Các trường cũng khẳng định tiếp tục phân công một giáo viên phụ trách dạy môn khoa học tự nhiên.

"Tôi đề nghị phòng giáo dục trung học tiếp tục cùng với mạng lưới bộ môn các quận, huyện tổ chức các chuyên đề, chủ đề thiên về góc độ kiến thức của các môn tích hợp. Đặc biệt, không nhất thiết một giáo viên phải dạy hết các chuyên đề, chủ đề trong năm. Việc phân công hết sức linh hoạt, hiệu phó, hiệu trưởng các trường phải giao quyền chủ động cho tổ chuyên môn" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng cho biết tinh thần đổi mới quyết định sự thành công của chương trình.

Mới đây, tại một hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết trở ngại của đổi mới không phải giáo viên, chính là cán bộ quản lý. Bởi họ ít được tập huấn về đổi mới chương trình, không trực tiếp giảng dạy nhưng lại hay cản trở sự đổi mới.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Hiếu kể mới đây có một cán bộ quản lý dự giờ giáo viên tiểu học. Cuối giờ vị này nhận xét giáo viên chưa hoàn thành tiết dạy vì chưa dạy hết nội dung sách giáo khoa. Điều này là không đúng.

"Tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là xác định được yêu cầu cần đạt của chủ đề đó, của nội dung đó. Giáo viên có thể dùng ngữ cảnh, ngữ liệu, dùng nội dung để minh họa chứ không nhất thiết phải dạy hết các nội dung trong sách giáo khoa. Cán bộ quản lý có kiểm tra kế hoạch, có giám sát nhưng không được can thiệp sâu vào quá trình giảng dạy của giáo viên" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Trường học không vội thu các khoản

Thời điểm này chưa bắt đầu năm học mới cũng như chưa có hướng dẫn của Sở GD&ĐT về các khoản thu. Vì vậy, đề nghị các trường không nên vội thu các khoản.

(Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm