Một tiết ôn tập hè tại Trường Tiểu học Cây Bàng, quận 4 - TP.HCM |
Chưa thể chốt danh sách
Ông Đỗ Nguyễn Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Rạng Đông, quận Bình Thạnh cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm học này là 288 học sinh lớp 6 nhưng đến thời điểm này trường mới nhận được 181 hồ sơ, tức khoảng hơn 60% chỉ tiêu.
Trường Tiểu học Cây Bàng, quận 4 hiện có 65 hồ sơ học sinh đăng ký nhập học so với chỉ tiêu là 105. Bà Phạm Thị Mai, hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là đến ngày 31/7 các trường phải công bố danh sách tuyển sinh đầu cấp nhưng với tình hình này trường chưa thể chốt danh sách. Chưa kể kinh nghiệm của những năm trước cho thấy, trước ngày tựu trường lượng hồ sơ nhập học sẽ rơi rớt một phần khi phụ huynh tìm được cho con một trường khác khá hơn.
Tại các trường khác như Tiểu học Chí Linh (quận Phú Nhuận), Tiểu học Bình Lợi Trung, THCS Bình Lợi Trung (quận Bình Thạnh)... vẫn còn một lượng lớn học sinh trong tuyến chưa nhập học.
Ông Lê Văn Tư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Lợi Trung cho rằng, có thể còn một bộ phận phụ huynh đang xin cho con đi học ở những trường khác tốt hơn. Trong trường hợp không được giải quyết, phụ huynh sẽ quay về nộp đơn theo tuyến. Vì vậy, trường sẽ tiếp tục nhận hồ sơ cho đến ngày bắt đầu năm học mới.
Có tiếp thị cũng chẳng ăn thua
Trong tình trạng hằng năm luôn thiếu hụt 50% học sinh so với chỉ tiêu, năm nay, Trường Tiểu học Chí Linh, quận Phú Nhuận mở 2 lớp tăng cường tiếng Anh nhằm tăng tính hấp dẫn cho học sinh. Học sinh chỉ cần đăng ký là được học, không cần phải qua khảo sát. Không những thế, sau khi có kế hoạch tuyển sinh trường còn tiếp thị đến từng gia đình có học sinh vào lớp 1. Cả nhà trường và phòng giáo dục quận đều hy vọng sẽ thay đổi được tình hình tuyển sinh của trường.
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Kim Chưởng, hiệu trưởng nhà trường, đến nay trường mới tuyển được 65 học sinh trong tổng số 154 chỉ tiêu. Bà Chưởng cho rằng, sở dĩ trường kém hấp dẫn phụ huynh vì cơ sở của trường nhỏ, xuống cấp, lại có nhiều điểm lẻ. Hơn nữa, tâm lý phụ huynh ai cũng muốn xin cho con học ở trường “điểm”.
Năm học 2008 - 2009, ngành giáo dục thành phố quy định các trường không được tuyển sinh trái tuyến. Thế nhưng rốt cuộc, phụ huynh vẫn ôm đơn chạy đến những trường “có tiếng”. Tại các trường như Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS Trần Văn Ơn, THCS Đức Trí, THCS Minh Đức (quận 1), THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10)... có cả trăm hồ sơ trái tuyến chờ xét tuyển.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, năm nay trường đã phải giải quyết cho 49 học sinh trái tuyến học tại trường, ngoài ra còn có 80 hồ sơ không được xét duyệt.
Đây là kết quả tất yếu vì trong một thời gian dài trước đây, ngành giáo dục tập trung xây dựng các trường trọng điểm, chất lượng cao dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các trường.
Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: Đúng là cơ sở vật chất chưa đồng đều Năm nay, thành phố giải quyết triệt để vấn đề phụ huynh "chạy" trường bằng việc quy định tuyến tuyển sinh và nghiêm cấm các trường tuyển sinh trái tuyến. Mặc dù vậy, vẫn có một bộ phận phụ huynh muốn xin cho con học ở trường trái tuyến, với những lý do khác nhau. Tôi thừa nhận một thực tế là hiện nay các trường chưa đồng đều nhau về cơ sở vật chất, nhiều nơi trường lớp được xây dựng mới khang trang nhưng vẫn có những nơi trường lớp xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này cần có sự cố gắng của nhiều cơ quan ban ngành. Ở một góc độ khác, việc phụ huynh muốn xin cho con học ở trường trái tuyến một phần xuất phát từ tâm lý của phụ huynh. Nhiều phụ huynh không thấy rằng chất lượng giáo viên ở các trường đã đồng đều hơn, các trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ. Phía ngành giáo dục thành phố luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các trường để phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm cho con học ở trường đúng tuyến. |
Theo Người lao động