Cụ thể, về phương thức thi tuyển, các trường tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề và phải thông báo công khai trong thông báo tuyển sinh của trường.
Về phương thức xét tuyển, dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, trường công bố tổ hợp các môn xét tuyển vào các ngành tương ứng; Không được xét tuyển những thí sinh có kết quả thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Dự thảo thông tư cũng đưa ra quy định xét tuyển thẳng vào học liên thông. Theo đó, người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên hoặc người có bằng trung cấp loại khá nhưng đã có ít nhất 02 năm làm việc theo ngành hoặc nghề đã được đào tạo, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định được tuyển thẳng vào cùng ngành ở trình độ cao đẳng; Người có bằng tốt nghiệp trung cấp và đoạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, có trình độ văn hóa đáp ứng qui định được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải.
Dự thảo cũng đưa ra quy định nhằm siết chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của trường; chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của trường. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định theo chỉ tiêu của từng ngành đào tạo, không vượt quá 15% chỉ tiêu của ngành đối với các ngành về khoa học sức khỏe và không vượt quá 20 % chỉ tiêu của ngành đối với các ngành khác.
Đặc biệt, dự thảo lần này cũng bổ sung thêm quy định về tổ chức đào tạo liên thông. Theo đó, không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược sĩ trình độ cao đẳng, đại học.
Những người đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông vào các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyển, Dược sĩ trình độ đại học phải có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo ít nhất là 12 tháng tính từ khi ký hợp đồng lao động hoặc có quyết định tiếp nhận đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi không bao gồm thời gian thực hành nghề nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề và được đơn vị tuyển dụng cử đi học.