Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Dự thảo nghị quyết quy định về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số. Đặc biệt là việc thực hiện thí điểm đấu giá theo cơ chế “biển số đi theo người”. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác mà mình sở hữu.
Bộ Công an đề xuất thí điểm đấu giá biển số ô tô. Ảnh: TRƯỜNG GIANG |
Người dân và Nhà nước đều được lợi
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Dương Anh Sơn, Trưởng Khoa luật kinh tế ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, khẳng định ông ủng hộ đề xuất của Bộ Công an.
“Ở Việt Nam, người dân thường có tâm lý thích biển số xe đẹp và sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để được sở hữu biển số đó. Việc đấu giá biển số không gây hại cho ai mà mang lại lợi ích cho Nhà nước và cả người dân thì cần làm và nên làm” - PGS-TS Sơn bày tỏ.
Ngoài ra, PGS-TS Sơn cũng cho rằng nếu thí điểm đấu giá biển số ô tô thành công thì nên xem xét đến việc cho phép đấu giá biển số xe máy, vì người đi xe máy cũng có nhu cầu lựa chọn biển số xe theo mong muốn.
Đồng quan điểm, ThS Mai Hoàng Phước, giảng viên Khoa luật ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, tán thành với việc lựa chọn biển số xe theo nhu cầu.
“Việc đấu giá biển số xe khá phổ biến tại Mỹ. Ngoài ra, tại một số nước châu Âu còn cho phép chủ xe trả tiền để được dùng biển số với chữ cái hay số, không theo quy định thông thường” - ThS Phước dẫn chứng.
Theo ông, việc cho đấu giá biển số xe sẽ đáp ứng được nguyện vọng của những người dân, doanh nghiệp có nhu cầu phục vụ di chuyển, kinh doanh.
Đặc biệt, biển số xe còn tượng trưng cho địa vị xã hội, sự may mắn theo quan niệm của người châu Á, đồng thời việc này cũng mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Việc đấu giá biển số không gây hại cho ai mà mang lại lợi ích cho Nhà nước và cả người dân thì cần làm và nên làm.
Cần hành lang pháp lý để thực hiện đấu giá
Trong trường hợp nghị quyết về việc thí điểm được thông qua thì cần có hành lang pháp lý để triển khai việc thực hiện đấu giá.
Theo PGS-TS Dương Anh Sơn, có thể áp dụng các quy định tại Luật Đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá biển số.
Ông cũng đề xuất việc thực hiện đấu giá nên có sự phối hợp của cơ quan công an, Sở Tư pháp và Sở Tài chính tại địa phương để kiểm soát hoạt động đấu giá.
Còn theo ThS Mai Hoàng Phước, cần có sự điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp với việc đấu giá biển số xe.
“Phải có quy định cụ thể xác định biển số xe là loại tài sản nào theo quy định của BLDS 2015, vì Luật Đấu giá tài sản quy định rõ tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định pháp luật” - ThS Phước đặt vấn đề.
Theo ông, nên quy định biển số là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, như vậy thông qua việc đấu giá, người dân, doanh nghiệp sẽ có quyền sử dụng biển số này.
Đồng thời, hoạt động đấu giá biển số nên giao cho trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản chủ trì, phối hợp với Phòng CSGT công an cấp tỉnh thực hiện.
Hình thức đấu giá phải công khai, minh bạch về đặt cọc, giá khởi điểm, bước giá. Đồng thời nên có chế tài cấm tham gia có thời hạn hoặc vô thời hạn đối với những người trúng đấu giá nhưng không thanh toán, chấp nhận bỏ cọc.
Sau cùng, cả hai chuyên gia đều cho rằng có thể xem xét cho phép người sử dụng biển số được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của pháp luật nhằm tăng sự thu hút đối với việc đấu giá và kết quả trúng đấu giá sẽ cao hơn.
Nên có quy định về thời hạn sử dụng biển số xe
Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua thì đây là việc cần ủng hộ. Bởi trên thực tế, nhu cầu lựa chọn biển số xe đã có từ rất lâu và là nhu cầu chính đáng.
Hiện tại, theo dự thảo, việc đấu giá biển số xe sẽ được thực hiện theo cơ chế “biển số đi theo người”. Khi bán xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác của mình.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ tăng thu ngân sách thì nên có quy định thời hạn sử dụng của biển số xe. Thời hạn sẽ theo niên hạn của xe được gắn biển số.
Khi xe hết niên hạn, biển số có thể được thu hồi lại và tiếp tục bán đấu giá cho các cá nhân khác. Như vậy, việc khai thác nguồn thu ngân sách từ đấu giá biển số sẽ được nâng cao và tăng cơ hội lựa chọn biển số cho nhiều người.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Như thế nào là một biển số đẹp?
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị viên diễn đàn OTO+, cho rằng biển số đẹp thiên về quan niệm phong thủy, tâm linh của người Á Đông.
Đại bộ phận những biển số xe đẹp sẽ gắn liền với số 3, 6, 7, 8, biển tiến. Cũng có thể biển đẹp là tứ quý, ngũ quý nhưng ngũ quý cũng có những biển đắt tiền và rẻ tiền.
Đơn cử như ngũ quý 6, ngũ quý 8 hay ngũ quý 9 có số tiền “khủng” hay số tiến như 56789 cũng đắt tiền hoặc biển về thần tài lớn, thần tài nhỏ như 39, 79. Ngược lại, biển không đẹp thường là những biển có số 49, 53.
Đặc biệt, với nhiều người, không cần phải ngũ quý hay số tiến, chỉ cần biển số có chứa ngày sinh, năm sinh cũng là biển số đẹp; không có quy chuẩn nào nhất định.
“Biển số đẹp nó giống như số điện thoại, nhiều người quan niệm là bộ mặt của mình khi giao thiệp bên ngoài, hay quan niệm số đẹp có thể giúp cho công việc làm ăn, kinh doanh của mình thuận tiện hơn” - ông Thắng nói. THY NHUNG