Theo UOB, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý 3-2023 tiếp tục tăng 5,33% so với cùng kỳ. "Đây là một sự cải thiện đáng kể so với mức 3,72% của nửa đầu năm nay, nhưng chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng 8,85% so với cùng kỳ năm 2022", UOB nhận định.
Điều này đồng nghĩa với mục tiêu tăng trưởng chính thức đạt 6,5% sẽ là một thách thức với Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia tốc độ tăng trưởng trong quý 4 của Việt Nam sẽ cần ít nhất là 12%. Điều này được cho là khó xảy ra trong bối cảnh hiện tại nếu nhu cầu cơ bản không có sự cải thiện mạnh mẽ.
Hiện nay một số dấu hiệu cho thấy các hoạt động đã khởi sắc khi xuất khẩu tăng trong tháng 9 sau 6 tháng giảm liên tiếp, sản lượng sản xuất chế tạo cũng có tháng tăng thứ 4 liên tiếp. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 9. Mức tăng 9 tháng đạt 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 15,9 tỉ USD. Nếu đà tăng vốn FDI tiếp tục duy trì ổn định, việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả năm nay có thể sẽ đạt mức 19,7 tỉ USD.
Về vốn FDI đăng ký mới, trong tháng 9 tăng 7,7% so với cùng kỳ, đạt 20,2 tỉ USD, vượt mức 18,8 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2022. Singapore là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 4 tỉ USD, tiếp đến là Trung Quốc (2,9 tỉ USD).
Mặc dù tăng trưởng đã vững chắc hơn trong quý 3 nhưng kết quả tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm vẫn ảnh hưởng đáng kể. Do đó, UOB Việt Nam hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 5,0% từ mức 5,2% trước đó.
Dự báo này đi kèm với giả định, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trong quý 4 sẽ tăng thêm 7,0% so với cùng kỳ (dự báo trước đó là 7,6%). Điều này đòi hỏi các hoạt động kinh tế và đơn đặt hàng phải tăng nhanh trong những tháng tới.