Những năm 2000, khi Thai-League còn là giải đấu thử nghiệm vừa chạy vừa xếp hàng thì V-League là ước mơ của rất nhiều cầu thủ Thái Lan. Những năm cuối của thập niên 2000 thì V-League sạch bóng cầu thủ Thái do Thai-League đã bước sang một hình hài mới đầy chất chuyên nghiệp và thu nhập cao.
Đã có thời hơn nửa đội tuyển Thái sang “cày” V-League
Còn nhớ cuộc đón tiếp đình đám mà HA Gia Lai đưa Kiatisak và Chukiat về phố núi năm 2002. Cuộc đón tiếp mà báo chí nước ngoài đến tận Pleiku đưa tin và phán ngay dòng tít lớn: “Chưa cuộc đón tiếp nào lớn và đình đám như thế tại Pleiku!”. Sau hai tuyển thủ trên, hàng loạt tuyển thủ Thái Lan đến Việt Nam (VN) gia nhập V-League như Dusit, Tawan Sripan, Sakda, Thonglao, Issawa…
Hồi đấy hỏi các tuyển thủ Thái tìm bến đậu ở VN thì đều có chung một câu trả lời: “V-League của VN lương rất cao so với Thái Lan!”. Thậm chí có những tuyển thủ Thái Lan từng tìm mọi cách nhập tịch VN để làm hài lòng các ông chủ muốn có thêm “nội binh” chất lượng. Đấy là giai đoạn HA Gia Lai có liền hai chiếc cúp vô địch V-League 2002, 2003 mang đậm dấu ấn các tuyển thủ Thái Lan.
Thai-League bắt đầu “bành trướng” từ phiên bản 2.0
Giai đoạn cầu thủ Thái đổ xô qua VN đá V-League là thời điểm Thai-League thất bại với “bản demo” 1.0 mà người Thái gọi là phiên bản lỗi.
Sau Thai-League 1.0, đến năm 2008 phiên bản Thai-League 2.0 ra đời với tên đầy đủ là Thai Premier League. Sở dĩ người Thái gắn chữ Premier League vào vì “cha đẻ” của Thai-League là cựu tổng thư ký Ong Art Kosingkha sang Anh học và áp dụng toàn bộ ứng với đặc thù bóng đá Thái. Đến nay thì Thai-League 2.0 đã sang tuổi 12 và điểm nhấn của Thai-League 2019 là có hai tuyển thủ VN Đặng Văn Lâm, Xuân Trường sang thi đấu và đang được các CLB chủ quản lẫn Thai-League PR rất mạnh cho chiến dịch riêng của CLB và của giải.
Đặng Văn Lâm và Xuân Trường liên tục được tận dụng quảng bá cho Thai-League và CLB Muangthong lẫn Buriram. Ảnh: THAI-LEAGUE
V-League đến phút 89 mới biết nhà tài trợ và trận khai mạc đá rồi mà có người còn không biết trong khi cả tháng trước Thai-League Muangthong đã công bố giá vé. Ảnh: CTV
Không chỉ là hai cầu thủ VN mà rất nhiều tuyển thủ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng được mời gọi, săn lùng đến chơi ở Thai-League và tất nhiên điều này nằm trong chiến lược của những nhà tổ chức. Đầu tiên là “quota” cầu thủ ngoại ở mỗi CLB Thái Lan được LĐBĐ Thái Lan giải tỏa qua việc “chấp nhận cầu thủ Đông Nam Á là cầu thủ nội”. Bên cạnh đó là hàng loạt nước cờ thương mại mà Thai-League được LĐBĐ Thái Lan và cả chính phủ Thái cùng các bộ kết hợp “bật đèn xanh” để mang nguồn thu lớn và ngoại tệ về từ bóng đá.
Có thể kể ra ngày khai mạc Thai-League không ít nhóm cổ động viên VN và cả các cựu tuyển thủ đã tổ chức sang Thái Lan xem Đặng Văn Lâm và Xuân Trường trong màu áo Muangthong United và Buriram United thi đấu. Tiếp theo đó sắp tới là bản quyền Thai-League sẽ được “phủ sóng” sang VN, kéo theo nhiều sản phẩm, nhiều mặt hàng và nhiều đối tác đổ vào Thai-League.
V-League khai mạc khi nào?
Ngày 21-2, V-League 2019 có trận mở màn giữa Thanh Hóa và B. Bình Dương nhưng rất nhiều người không biết có trận cầu đấy. Điều đó đã được chính các chuyên gia bóng đá và giới truyền thông chia sẻ trong một chương trình bình luận trực tiếp cùng ngày rằng họ hoàn toàn bất ngờ vì trận khai mạc này diễn ra lặng lẽ.
Có thể thông cảm cho những nhà tổ chức khi phải tổ chức trận đấu đấy sớm hơn dự kiến cho đội B. Bình Dương kịp lên đường tham dự AFC Cup nhưng một giải đấu lớn mà nhiều người “không biết” ngày khai mạc lẫn thời điểm bóng lăn thì khó chấp nhận được.
Ban tổ chức V-League như thế còn các đội bóng thì rất nghèo nàn thông tin trừ CLB Hà Nội sớm khởi động bởi AFC Champions League và các trận play off lẫn siêu cúp. Hoàn toàn khác hẳn với kiểu làm thương hiệu mà Muangthong United và Buriram United ra rả suốt cả tháng với hình ảnh Đặng Văn Lâm và Xuân Trường tham gia đủ mọi hoạt động quảng bá cùng CLB của mình.
Nói là V-League “đấu giá” với Thai-League nhưng rõ ràng qua cách làm, qua tần suất thông tin và qua tính chuyên nghiệp của V-League với Thai-League thì có thể khẳng định vì sao “giá” (tài trợ, bản quyền, chuyển nhượng, sức hút) của Thai-League cao hơn V-League rất nhiều.
• Bình quân các CLB Thái Lan đạt lợi nhuận 1,35 triệu USD/năm, riêng các CLB mạnh như Muangthong, Buriram, Chonburi có lợi nhuận lên đến 5 triệu USD. Đó là con số cách đây sáu năm được Thai-League Co. (công ty tổ chức giải chuyên nghiệp Thái Lan) công bố. Dự kiến năm 2019 con số bình quân lợi nhuận của mỗi CLB Thái Lan là trên 3 triệu USD/năm. • Cùng ngày 25-12-2017, trang web chính thức của AFC phát đi hai tin nóng đáng chú ý. Một là Toyota chính thức không tài trợ cho V-League mùa 2018 nữa; hai là Toyota tài trợ 700 triệu baht (tương đương 19,76 triệu USD) cho Thai-League các mùa bóng đến năm 2020. |