Với bóng đá Việt Nam, nếu V-League gần như chỉ là sự xoay trở của VFF, VPF thì Thai-League lại là giải đấu mà chính phủ Thái Lan “bật đèn xanh” để phát triển với chính sách đồng bộ từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến CLB.
Kể từ mùa bóng 2019, mỗi CLB Thái Lan thi đấu các giải nội địa được đăng ký ba cầu thủ đến từ các nước Đông Nam Á và tiến đến quy hoạch xem cầu thủ Đông Nam Á là “nội binh” không phải là chính sách của riêng LĐBĐ Thái Lan mà là “quota” được ủng hộ hai tay với sự liên thông của các bộ như Du lịch, Thể thao, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch… Cùng với đó, công ty tổ chức các giải nội địa Thái Lan đã xin các bộ, ngành và được cấp phép cho các phóng viên Đông Nam Á làm thẻ đăng ký tác nghiệp tại các giải nội địa Thái Lan như phóng viên bản địa...
Thái Lan sau thành công của ngành du lịch đã mở rộng hình thức du lịch thể thao mà bóng đá là tiên phong. Các phóng viên Thái Lan cho biết từ Thai-League có các cầu thủ Đông Nam Á như Đặng Văn Lâm hay Xuân Trường của Việt Nam và nhiều ngôi sao của Myanmar, Malaysia, Singapore, Philippines hay Lào… đến Thái Lan thi đấu thì cũng là lúc hàng loạt mục tiêu của ngành du lịch và các công ty truyền thông lớn bung những chiến dịch “du lịch bóng đá” hoặc bán bản quyền truyền hình cho các quốc gia…
Sắp tới, những trận cầu “đinh” ở Thai-League sẽ lên sóng trực tiếp với các nhà đài Việt Nam như trước đây True Sports từng làm. Và từ việc phủ sóng này sẽ có rất nhiều doanh nghiệp chọn giờ vàng là các kênh bóng đá ở Thai-League…
Một phóng viên Thái Lan làm cho tờ Siam Sport đã ví von với chúng tôi: “Việc Thai-League dùng cầu thủ Việt Nam sẽ tỉ lệ với những mặt hàng tại Thái Lan được ưa chuộng và đang tràn vào ngày một dày trên thị trường Việt Nam”. Chính phóng viên này cũng dẫn chứng việc tối qua cầu thủ Hà Nội FC trên ngực áo có nhãn hàng SCG của người Thái, các đội tuyển Việt Nam cũng đang sử dụng trang phục của hãng thể thao Thái Lan và tất cả đều nằm trong sự đồng bộ của các bộ, ngành Thái Lan với Thai-League.