Bên cạnh đó, lượng khán giả chịu bỏ tiền mua vé vào sân có xu hướng giảm dần đều, sau khi hiệu ứng U-23 Việt Nam từ từ nguội đi.
Ban điều hành giải VPF sau cơn đau đầu vì pháo sáng ở nhiều sân bóng mới chỉ biết cách ngăn ngừa bằng phạt tiền mà chưa tìm ra biện pháp chế tài nào cứng rắn khác, lại đến lượt Ban Trọng tài VFF mệt mỏi với những tiếng còi.
Từ vụ trọng tài Nguyễn Trọng Thư bị phản ứng dữ dội trên sân Cần Thơ đến trọng tài Nguyễn Trung Kiên (B) bị vây ở sân Thanh Hóa chưa nguôi, lại đến lượt trọng tài Nguyễn Văn Kiên bị bầu Đức kiến nghị treo còi vĩnh viễn. Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi luôn thận trọng chờ băng ghi hình kỹ thuật để xác định thuộc cấp của mình đúng hay sai nhưng rõ ràng việc trọng tài bị chỉ trích đã nói thay cho việc không có lửa sao có khói.
Gần nhất là trọng tài Nguyễn Văn Kiên bị đội HA Gia Lai gửi công văn kiến nghị làm rõ một số tình huống nghi là thiên vị cho đội chủ nhà Sanna Khánh Hòa như một giọt nước làm tràn ly kiên nhẫn của bầu Đức. Không chỉ có pha thổi phạt đền ở phút 88 mà hàng loạt tình huống trước đó, trọng tài Kiên có dấu hiệu không kiểm soát nổi những chiêu trò của cầu thủ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiếng còi chưa ngay ngắn của giới trọng tài, mà một trong số đó như bầu Đức nói là cấp trên của họ bao che và dung dưỡng cho cái sai. Thậm chí HLV lão làng Lê Thụy Hải có khi giận dỗi trọng tài thổi sai đã gay gắt châm biếm: “Ban Trọng tài VFF hay bao biện trọng tài cũng là con người thì chúng tôi (các CLB) là con gì?”.
Chỉ có người trong cuộc sẽ thấm thía hơn chuyện bỏ công, bỏ của ra chơi bóng lại bị “lạc trôi” bởi một tiếng còi chưa đúng đắn thì họ đau và tiếc đến cỡ nào.
V-League mới qua có bảy vòng đã rất ồn ào dấu hiệu trọng tài xuống cấp, bên cạnh nỗi lo khán giả sa sút theo từng vòng. Giới quan sát đo lường hiệu ứng người xem từ sức hút của cầu thủ U-23 Việt Nam từ vòng 1 tính bình quân 12.000 khán giả mỗi sân, giờ đã giảm đi trông thấy. Nó không chỉ do những thần tượng của giới trẻ có phần đánh mất đi phong độ lẫn cách chơi khác với lúc khoác áo U-23 và phần còn lại họ chưa đủ sức chen chân với đàn anh hoặc ngoại binh.
Từ vòng 4 V-League trở đi, số khán giả bình quân đến sân giảm dần và vòng đấu gần nhất chỉ còn 9.112 người ở mỗi sân. Trừ những trận đấu của đội HA Gia Lai luôn có trên 10.000 khán giả, như mới làm khách ở Nha Trang đón 15.000 người, các sân còn lại không đông khách. Cá biệt như sân Vinh, Cần Thơ, Bình Dương chỉ có từ 2.500 đến 3.000 khán giả.
Khi hiệu ứng U-23 dần nhạt và khi nỗi lo cầu thủ chơi tiểu xảo hay nỗi ám ảnh tiêu cực trọng tài bỗng dưng hiện về, V-League ế khách chỉ còn là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Đừng để ngọn lửa niềm tin của giới hâm mộ vừa bừng lên lại có nguy cơ lụi tàn!