Tôi được quen Giáo sư Trần Văn Giàu năm 1980, trong hội nghị về Nguyễn Trãi ở Viện Khoa học Xã hội TP.HCM. Tôi được phân công viết về Tao Đàn Chiêu Anh Các, một bộ phận không thể bỏ qua trong văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nhưng lại là một đề tài nhạy cảm theo cách nhìn chính thống đương thời.
I.
Biết Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà sử học lớn, lại là “con dân Nam Kỳ”, chắc chắn có thể chỉ giáo cho mình nhiều điểm vướng mắc nên có vài lần tôi đề nghị anh Nguyễn Liệu - Trưởng Ban Văn học giới thiệu cho được tiếp xúc và thỉnh giáo, nhờ thế trong hội nghị Nguyễn Trãi ấy, tôi mới được gặp ông. Nghe anh Nguyễn Liệu nói thêm tôi là dân Long An, ông càng vui vẻ đồng ý cho một cái hẹn tại nhà riêng. Đến hẹn, tôi mang một chồng tư liệu tới trình bày khoảng một giờ, nghe xong ông nói luôn một mạch về mấy điểm cần lưu ý, kế nói: “Bác không biết chữ Hán nhưng những điểm bác mới nói về lịch sử có giúp được gì cho cháu không?”. Tôi cũng ngay tình thưa: “Những điểm bác nói, cháu đã nghĩ tới, có điều cháu nghĩ từ hồi làm luận văn ĐH đến nay đã ba năm mới thấy, còn bác mới nghe cháu trình bày qua trong một giờ đã nói được tất cả cái khó của đề tài này mà còn sâu hơn. Loại hậu sinh như cháu mà nói bác giỏi thì thật tức cười nhưng nói thật cháu rất phục, xin bác cho phép cháu thỉnh thoảng tới đây học hỏi”. Ông gật đầu nói: “Cháu về thưa lại với ba là bác Sáu gửi lời thăm”.
Tác giả (Cao Tự Thanh) trong một lần gặp ông Trần Văn Giàu. Ảnh: CTT
Tôi được quen biết ông từ đó nhưng đến năm 1982 mới thật sự có ấn tượng sâu sắc. Năm ấy, tôi và anh Huỳnh Ngọc Trảng viết quyển sách về Nguyễn Đình Chiểu, vì là quyển sách đầu đời nên đặc biệt cẩn thận, tới gặp bác Sáu xin lão nhân gia “pháp nhãn thùy thanh” (rủ lòng ghé mắt xanh thẩm định cho), nếu thấy in được thì viết cho một lời giới thiệu, còn không được thì thôi, bọn tôi không dám quá phận ra sách. Ông xem xong viết cho một Lời giới thiệu, đánh máy xong tới xin ông ký một chữ để giao cho cơ quan xuất bản, cũng cẩn thận hỏi lại: “Thưa bác, cuối Lời giới thiệu in là Trần Văn Giàu hay Giáo sư Trần Văn Giàu?”, ông thản nhiên nhìn lên trần nhà nói: “Trần Văn Giàu là đủ, Việt Nam có nhiều giáo sư lắm nhưng chỉ có một Trần Văn Giàu thôi”.
Các đại nhân vật đâu thèm dựa vào danh hiệu!
II.
Năm 1987, có lần tôi tới Thư viện Khoa học Xã hội tra cứu, tình cờ đọc một quyển đề cập tới triều Nguyễn, trong có bài của bác Sáu, thấy ông phê phán Lê Văn Duyệt. Đại khái lúc ấy Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Gia Định thành, chính quyền Xiêm La muốn tranh giành ảnh hưởng ở Cao Miên, Lê Văn Duyệt gửi tờ tâu lên Minh Mạng, đại ý nói là xin chuẩn bị sẵn, nếu phải đánh nhau, xin sai một viên đại tướng đem quân theo đường Nghệ An qua Lào đánh mặt bắc, thần sẽ đem quân thủy bộ cùng tiến đánh mặt nam chứ không cho giặc ra tay trước, lời lẽ quả rất hung hãn. Nhưng xét từ trách nhiệm giữ đất yên dân thì tư tưởng quân sự của Lê Văn Duyệt là rất tích cực, tức không chấp nhận để chiến tranh xảy ra trên đất Việt Nam để tránh những thiệt hại về kinh tế-xã hội. Hơn thế nữa, khoảng 1977-1984 ở Việt Nam đề cao luận điểm Làm chủ để tấn công, tấn công để làm chủ, bài học chiến tranh biên giới Tây Nam cũng còn sờ sờ ra đó, mà sao ông bác lại chê Lê Văn Duyệt lên bờ xuống ruộng thế này? Lật lại bìa thấy là sách xuất bản ở Hà Nội khoảng năm 1963, 1964 gì đó. Tôi hiểu ra thời gian ấy Quốc trưởng Sămđéc Sihanuc đang cắn đắng với Ngô Đình Diệm, Việt Nam dân chủ cộng hòa đang có quan hệ tốt với Campuchia. Tôi lập tức rời thư viện, phóng xe đạp tới nhà bác Sáu, vào thấy không có khách nào, chào hai ông bà già xong bèn cười cười nói với bác Sáu: “Cháu vừa đi đọc sách ở thư viện về, thấy một bài của bác hay quá!”.
Người ta ai mà không thích khen, ông già liền vui vẻ hỏi: “Bài nào vậy?”.
“Thì bài bác chửi Lê Văn Duyệt ấy”.
Ông phản ứng rất nhanh mà cũng rất thẳng thắn: “Ừ… hồi đó phải viết vậy đó mày!”.
Tôi bật ngửa ra trên cái ghế salon, dáng vẻ phải nói là rất hỗn hào, chỉ tay vào bụng ông buông ra hai chữ: “Sử công!” (thợ sử).
Hai bác cháu cùng cười, kế nói chuyện thêm vài câu thì bác Sáu bước vào trong lấy ra một chai rượu tiêu, nói: “Có đứa mới cho bác, cháu uống đi. Uống không hết thì mang về uống tiếp”.
Chai rượu rất thơm nhưng rất cay.
Sau đó hơn 10 năm, Tạp chí Xưa và Nay và Hội Sử học TP mở một cuộc tọa đàm về Lê Văn Duyệt, Tiến sĩ Trần Thị Thu Lương có dự, sau đó tới chơi kể lại cho tôi nghe, nói bác Sáu không dự cuộc tọa đàm ấy.
Trong cuộc tọa đàm “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” do Hội Sử học Việt Nam tổ chức ở TP năm 2003, bác Sáu cũng không dự.
Chai rượu tiêu tôi không cầm về mà vẫn để ở chỗ bác Sáu, lâu lâu qua chơi với ông thì đem ra uống, mà cũng chỉ một mình tôi uống hết chai rượu ấy.
Tôi suy nghĩ và ngẫm ra ý nghĩa sâu kín trong sự im lặng của ông là: lương tri sử học chân chính không phải là nói ra sự thật, mà là hiểu tại sao sự thật không được nói ra.
III.
Cách nay 15 năm, báo chí râm ran đưa tin về một giáo sư sử học Việt Nam được nhận giải thưởng gì đó của Nhật Bản. Một lần nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhân vui chuyện nhắc tới, anh nói: “Đó là giải thưởng của một trường ĐH, bọn tôi đang nghĩ cách đề nghị một giải thưởng khác cao hơn cho ông Sáu Giàu, tiền cũng nhiều hơn”. Vài hôm sau tôi ghé thăm bác Sáu, sực nhớ tới bèn hỏi ông có chuyện ấy không, ông đáp: “Thì mấy chú đó tính như vậy, có điều…”. Tôi nôn nóng “quạng” luôn: “Người khác cháu không nói làm gì, chứ bác là nhà sử học bậc nhất Việt Nam, còn là nhà hoạt động cách mạng lâu năm, chính phủ Việt Nam chưa trao giải nào mà lại nhận giải nước ngoài thì cũng khó coi”. Ông thoáng ngạc nhiên hỏi: “Chú cũng nói vậy à?”. Tôi thừa thắng xốc tới: “Dạ phải nói chứ. Với lại nhiều ngoại tệ mạnh vốn là chuyện hay nhưng đời người ta phú quý phải đúng thời, bác bây giờ già rồi, ăn không ăn được, chơi không chơi được, buôn bán thì dốt, con cái thì không, có tiền nhiều cũng đem cho chứ làm gì. Mà báo chí ầm ĩ lên, thiên hạ nghĩ bác có nhiều tiền, nhà chỉ có hai ông bà già, phúc đâu chưa biết mà đã thấy giống như sắp có họa”. Ông phì cười nói: “Thì tôi nói họ thôi đi là được chứ gì, chú lo xa quá”. Tôi thở ra, lại thầm xấu hổ vì mình hấp tấp.
Người trí thức lớn phải thận trọng ngay cả khi được tôn vinh.
***
Tối hôm qua, thằng em làm báo nhắn: “Ông Sáu Giàu mất rồi, hồi 17 giờ”. Biết ông tuổi lớn bệnh nhiều nhưng vẫn không kìm được thảng thốt “Trời” một tiếng, nước mắt tự nhiên ứa ra…
Người đã tròn trăm năm…
Ngày 17-12-2010
CAO TỰ THANH
Nhà cách mạng lão thành, người thầy của nhiều thế hệ Giáo sư Trần Văn Giàu là một nhà cách mạng lão thành, dường như đã hiện diện và hiến dâng cả cuộc đời mình cho suốt cuộc hành trình đầy hào hùng của Đảng ta trong chặng đường lịch sử 80 năm qua của dân tộc ta. Gia nhập Đảng Cộng sản khi Đảng ta đang chuẩn bị ra đời, giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ trước và trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta bắt đầu. Nhờ sự đóng góp to lớn ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng thưởng các huân chương cao quý như huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Độc lập hạng Nhất và hôm nay được vinh dự nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng… Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam. Theo bác thì bác bước vào nghề giáo là một sự tình cờ do hoạt động bí mật lúc còn ở Sài Gòn, làm giảng viên tổ Thanh niên cộng sản do Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định, rồi làm thầy giáo của trí thức Sài Gòn những năm tiền Cách mạng Tháng Tám… Giáo sư, Tiến sĩ PHAN XUÂN BIÊN |