Nhưng dù sao những loại phim này cũng đáp ứng được nhu cầu giải trí cho giới bình dân, những người lao động tay chân cả ngày mệt nhoài, về nhà ăn mấy miếng xong, mở băng video ra coi rồi lăn ra ngủ để mai còn đi làm. Họ xem xong là quên ngay, chẳng cần quan tâm tác giả kịch bản là ai, đạo diễn là người nào, họ chỉ nhớ mấy diễn viên Lý Hùng, Diễm Hương, Mộng Vân, Lê Tuấn Anh… Nhiều tên tuổi nổi đình nổi đám từ loạt phim mì ăn liền cũng chìm dần vào quên lãng cùng sự suy tàn của dòng phim này, ngoại trừ một số rất ít tự thân vận động, vượt lên chính mình để tồn tại và hòa nhập vào dòng chảy mới: Những bộ phim truyền hình nhiều tập liên tiếp ra đời cùng với sự phát triển ào ạt của các kênh truyền hình. Bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) làNgười đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc với vai chính do Việt Trinh đóng là một dấu ấn đáng ghi nhận. Diễn viên Hồng Ánh cũng nổi lên từ phim này. Nhiều phim truyền hình có nhiều đầu tư tim óc được khán giả thích thú theo dõi tiếp tục được TFS cho ra đời. Nhưng cùng với đà phát triển như vũ bão của truyền hình, nhà đài bán kênh cho các công ty quảng cáo, phim truyền hình cũng ào ạt ra lò để đáp ứng kịp nhu cầu phát sóng câu quảng cáo. Tình trạng làm phim truyền hình chụp giựt kiểu “mì ăn liền” lại tái diễn. Do phải hoàn thành nhanh chóng cho kịp tiến độ giao hàng, nhà sản xuất lại yêu cầu đạo diễn quay nhanh tại một vài điểm để vừa đỡ phải di chuyển vừa đỡ tốn kém, vì vậy người xem phim truyền hình thấy nhiều phim bối cảnh na ná nhau. Cứ phim tình lãng mạn thế nào cũng có cảnh Đà Lạt. Diễn viên có tên tuổi thì chạy sô từ phim này qua phim khác. Cứ phim hài thì thấy mặt Hoài Linh…, phim tình cảm nào cũng thấy Bình Minh… Truyện phim cứ cố kéo dài ra cho đủ tập để nhà sản xuất bán quảng cáo bù đắp chi phí. Một lần Lê Cung Bắc tâm sự, mình làm phim truyền hình nhưng rất ít xem phim truyền hình. Nếu có xem tôi chỉ xem phim do Hà Nội sản xuất. Thế nhưng…
Sau các bộ phim truyền hình có chủ đề khá nghiêm túc được khán giả đánh giá cao như Mẹ chồng tôi, Ma làng, Chạy án, Ngõ lỗ thủng, Bí thư tỉnh ủy…,gần đây Hãng phim Truyền hình Việt Nam lại có khuynh hướng chạy theo trào lưu “phim phía Nam”, cũng tình yêu trái ngang, ăn chơi, tình tiền tù tội… cùng các cảnh quay những bối cảnh sang trọng, các diễn viên ăn mặc như biểu diễn thời trang. Có lẽ khi chiếu những phim nghiêm túc nói trên nhà đài không bán được quảng cáo như HTV nên hãng có khuynh hướng chuyển hệ sang dòng phim thị trường - một cách nói khéo về loại phim “mì ăn liền” - để dễ bán quảng cáo. Cũng vậy, thật đáng tiếc khi một số ca, nhạc sĩ đã tạo được tên tuổi (không tiện nêu tên ở đây) viết hay, hát hay nhưng đĩa không bán được mấy, còn trên các mạng xã hội như YouTube cũng không ăn, trong khi các ca sĩ thời trang ăn khách trên sân khấu, lại quá hot trên mạng kiếm bộn bạc nên các vị này đã tự chuyển hệ sang dòng nhạc “mì ăn liền”, chẳng đọng lại chút gì trong lòng sau khi nghe nhưng lại kiếm ăn được! Biết nói sao đây?