Khoảng hai mươi năm trước, tôi đọc được từ “văn hóa ngẫu hứng” trong một bài bút ký của ông, định bụng lúc nào gặp ông tôi sẽ tranh luận với ông về cụm từ này. Thế nhưng có mấy lần gặp nhau lại nói đủ chuyện mà quên mất chuyện “văn hóa ngẫu hứng”. Mấy năm trước ghé thăm ông ở căn hộ của con gái ông trong khu chung cư Văn Thánh, Bình Thạnh, ông đã quá yếu và trí nhớ đã gần như bỏ ông mà đi. Nay nghe tin ông nằm BV ĐH Y Dược Huế, phải thở máy. Tôi bèn viết những dòng này “tự tranh luận”vậy!
Do không có điều kiện tranh luận trực tiếp nên tôi không rõ chữ “ngẫu hứng” trong cụm từ nêu trên được anh Tường dùng theo nghĩa nào. Thôi thì cũng coi như là cái cớ để suy ngẫm.
Theo tôi, chỉ có văn nghệ mới ngẫu hứng. Văn nghệ là nói tắt nhóm từ “văn học nghệ thuật”. Thi ca, hội họa, âm nhạc… đều cần ngẫu hứng để sáng tác. Dĩ nhiên mức độ thành công cũng còn cần tài năng gắn với… ngẫu hứng!
Trong khi văn học đi đôi với nghệ thuật thì văn hóa đi đôi với giáo dục. Giáo dục cần có văn hóa. Văn hóa phải có giáo dục. Văn hóa giáo dục cần có sự ổn định và chiến lược phát triển lâu dài, không thể có sự ngẫu hứng trong văn hóa. Như chuyện làm hàng ngàn nhà văn hóa ở các xã, thôn cho đạt “chỉ tiêu xã, thôn văn hóa”. Được biết hiện nay trong cả nước có đến năm vạn nhà văn hóa thôn, bản và hơn năm ngàn nhà văn hóa xã, trong đó hầu hết bỏ hoang không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng chức năng. Thật vô cùng lãng phí, cả về tiền bạc lẫn niềm tin. Trong giáo dục cũng vậy, không được tùy hứng, nay thay mai đổi. Như trường hợp nhiều trường ĐH-CĐ mọc lên như nấm nhưng không tuyển được sinh viên dù đã hạ đến sát đáy điểm sàn và còn tìm cách lách luật để hạ thấp điểm tuyển nữa. Có nghĩa là vớt vát vơ vào cho đủ số sinh viên để trường tồn tại đã, mọi chuyện đào tạo này nọ tính sau! Không biết rồi số sinh viên vào các trường kiểu này khi ra trường sẽ ra sao? Có cả một số trường ĐH-CĐ hoạt động không hiệu quả, đang tìm cách bán hoặc chuyển chức năng hoạt động. Làm giáo dục như thế thì phải cần xem lại.
Hai ngàn năm trăm năm trước, nước Trung Hoa cổ đại có hai nhà tư tưởng lớn được coi như đối nghịch là Lão Tử và Khổng Tử. Lão Tử đề cao văn hóa, ông đã viết, đại ý: Làm thầy thuốc mà lầm lẫn thì chỉ chết một người, làm chính trị mà sai lầm thì chết một thế hệ nhưng nếu làm văn hóa mà sai lầm thì di hại cả muôn đời. Câu nói của Lão ngẫm lại thật đúng với nước Trung Hoa của con cháu ông. Còn Khổng Tử thì đưa giáo dục lên hàng đầu. Ông làm chính trị thì xoàng nhưng là một nhà giáo dục lừng lẫy, nhiều thế hệ học trò thành đạt, nổi tiếng, được người đời sau tôn là “Vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời.
Ôn cố tri tân. Ngẫm lại chuyện xưa để thấy chuyện nay. Mới thấy tầm quan trọng của văn hóa giáo dục. Ngẫu hứng đôi khi mang lại nhiều điều thú vị nhưng cũng dễ nhầm lẫn do cảm tính, không thể song hành cùng văn hóa giáo dục.