Đây là cái giá phải trả mà ông Gụ gọi là quá đắt sau nghi án ông ở cùng một phụ nữ không đăng ký tạm trú.
Ông Gụ không thể chọn cách nào khác, dù ông không muốn thì Thường trực VFF cũng lấy ý kiến ban chấp hành loại ông ra khỏi cuộc chơi.
ít ra ông Gụ cũng có lòng tự trọng với lá đơn từ chức, bỏ hẳn bóng đá, như một cách tự trừng phạt mình.
Dám làm dám chịu và phạm sai lầm rồi xin từ chức ở ngôi nhà VFF còn xa xỉ lắm! Không ai như bầu Đức vui vẻ nộp đơn nghỉ để giữ lời hứa nếu U-23 Việt Nam không vô địch SEA Games 2017. Chức phó chủ tịch mà ông chẳng đặng đừng ngồi vào vì lời hứa giúp “bạn chí cốt” lên ngồi ghế chủ tịch VFF (dù sau đó ông cũng bị dính đòn giò lái của bạn vụ bằng đại học).
Chuyện của bầu Đức khác với hồi ông Trần Quốc Tuấn cách đây bảy năm bị buộc phải từ chức tổng thư ký VFF, về lại Tổng cục TDTT sau khi dư luận phản ứng dữ dội về thất bại của đội U-23 tại SEA Games. nó chỉ là một bước lùi miễn cưỡng của ông Tuấn để tránh điều tiếng dư luận và “văng miểng” lên cao hơn, để sau đó trở lại “lợi hại” hơn.
Tương tự, ông Trần Mạnh Hùng mới đây tưởng là từ chức phó chủ tịch Vpf sau scandal chửi bới mà thực chất chỉ là tránh soi mói, chỉ trích từ dư luận bởi ông vẫn giữ ghế thành viên HĐQT và còn dũng cảm ứng cử ghế cao hơn: phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính.
Điều này cho thấy những chiếc ghế quyền lực ở làng bóng Việt Nam có sức hấp dẫn ghê gớm đến bất chấp uy tín và khả năng có làm được việc hay không.
VFF từ rất lâu rồi có ông chủ tịch “tàng hình” đánh vào lòng thương cảm của dư luận để bám chắc ghế và giao phó cho tay chân thao túng. Nói như bầu Đức là ông ấy để cấp dưới thao túng, người thì ngồi một lúc 7-8 ghế, nhắm toàn chỗ tài chính hay để một ông phó cùng “cạ” ngồi 17 ghế với tư cách biệt phái sai luật hơn chục năm.
Văn hóa từ chức ở VFF là một thứ hành vi rất xa lạ và thiếu thốn nhưng thừa thãi mánh khóe để hạ bệ nhau.