‘Không phải sự thật nào cũng tốt khi công bố’

Cánh diều vàng 2016 cho hạng mục Phim tài liệu và Đạo diễn xuất sắc nhất vừa được trao cho đạo diễn Tạ Quỳnh Tư với phim Hai đứa trẻ (VTV). Đây cũng là bộ phim tài liệu hiếm hoi của Việt Nam nhận được lượng xem lẫn chia sẻ từ tinh thần đến vật chất rất lớn cho nhân vật.

Phim không lời bình vì đạo diễn viết không hay

. Phóng viên: Anh có bao giờ áp lực khi làm phim tài liệu, ví dụ phim làm tổn thương nhân vật hoặc làm tổn thương ai đó, mình phải nâng lên đặt xuống việc đưa ra sự thật?

+ Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Sự thật phải được tôn trọng hàng đầu trong phim tài liệu, tuy nhiên khi đưa ra một sự thật đôi khi mình phải trăn trở. Ví dụ trong phim Hai đứa trẻ, tôi từng đắn đo khi sự thật của hai gia đình được đưa ra thì có đau đớn quá không. Nhưng tôi đã được sự chia sẻ của hai gia đình. Họ hiểu tôi làm câu chuyện này với mục đích gì. Và cuối cùng, câu chuyện như lời cảnh tỉnh, nếu xem phim thấy thương các cháu thì hãy nhìn lại công việc được giao để có trách nhiệm hơn, tránh những sai sót; dẫu có khi cái sai rất nhỏ nhưng dẫn đến hậu quả lớn, có thể ảnh hưởng cả một đời người.

Tuy vậy, câu chuyện này không phải mới. Khi tôi bắt tay vào làm phim, đã có nhiều tờ báo khai thác nhân vật rồi. Bản thân câu chuyện nó tự kể chứ tôi không làm gì cả.

. Vậy trong câu chuyện Hai đứa trẻ, anh có giữ lại điều gì và không đưa lên phim?

+ Chị y tá trao nhầm hai cháu bé ở cách nhà anh Kiên nhân vật trong phim không xa. Tôi đã định đến phỏng vấn chị nhưng sau đó biết tầm hai tuần nữa chị sinh em bé, tôi đã không đến. Liệu mình đưa chị lên phim có hay hơn không, có ảnh hưởng đến con chị sắp ra đời hay không, cuộc sống chị sau khi phim phát sóng sẽ ra sao… Từ đó tôi đã không đưa chị lên phim.

. Không chỉ phim này, một số phim tài liệu của anh, anh chọn làm theo cách không có lời bình mà chính lời nhân vật, âm thanh thật, âm nhạc… thể hiện câu chuyện anh muốn kể?

+ Tôi thường chọn làm phim không lời bình bởi muốn người xem thấy đó chính là sự thật từ chính nhân vật. Nhưng sâu xa hơn, một phần do tôi lười đọc sách từ nhỏ nên không viết được những lời bình hay cho phim. Và từ đó trong quá trình thực hiện phim tôi buộc phải chú ý âm thanh, lời nói, hành động, cử chỉ nhân vật... để chuyển tải được ý mình muốn và lướt qua không cần lời bình.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư nhận hai cúp Cánh diều vàng cho Phim tài liệu và Đạo diễn xuất sắc tại giải Cánh diều 2016. Ảnh: QĐ

Tại sao chúng ta phán xét khi nhân vật lại chọn tha thứ?

. Với phim tài liệu và với anh vừa là đạo diễn, biên kịch, quay phim… gần như sẽ là người nhập vai, khán giả theo câu chuyện anh kể; anh có khó để kìm được những xúc cảm của mình với những vui buồn của nhân vật trong phim?

+ Tôi vốn là người yếu đuối, khi làm Hai đứa trẻ tôi khóc mấy lần khi làm phim và bản thân tôi khi quay phim, phỏng vấn nhân vật, tôi trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng những lúc đó, giữa máy quay, cảm xúc của mình và nhân vật, tôi phải để nhân vật tự nói. Khi làm phim, tôi không can dự vào cảm xúc, lời nói nào của nhân vật vì tôi luôn muốn tôn trọng sự thật.

Như với Hai đứa trẻ, trước khi làm phim tôi đã chơi với các cháu, trò chuyện với gia đình, tạo sự gần gũi để các nhân vật thân thiết, tự nhiên giãi bày câu chuyện trước máy quay.

. Anh có thấy cách anh kể Hai đứa trẻmang màu cổ tích trong khi xã hội hiện tại mọi người lại thích phán xét nhau, đẩy mọi sự đến không còn đường lùi?

+ Tôi không nghĩ sâu xa đến độ như vậy nhưng với vai trò người đạo diễn làm phim, tôi muốn mọi người có một bộ phim chân thực. Trong sự chân thực đó nếu nói đến nỗi đau thì sau nỗi đau còn gì, gửi đến khán giả điều gì. Khi bộ phim được chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều lời động viên mà không trách móc gì, kể cả sự sai lầm của bệnh viện. Đã có rất nhiều sự xích lại gần nhau, chia sẻ nỗi đau sau khi mọi người xem bộ phim này.

. Xin cám ơn anh.

Đạo diễn của phim nước mắt

Tạ Quỳnh Tư vốn là quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam. Anh có đam mê phim tài liệu từ lâu nhưng tự thấy chưa đủ chín chắn để làm nên cuối năm 2011 mới xin thử sức ở phim tài liệu. “Hiện phim tôi làm chủ yếu gắn với thân phận con người. Nhiều bạn trêu sao làm phim cứ lấy nước mắt khán giả, phim kiểu sến sẩm nhưng không hiểu sao… Có lẽ những nỗi đau, thân phận trong đời sống dễ làm mình muốn làm phim hơn” - đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ.

‘Không phải sự thật nào cũng tốt khi công bố’ ảnh 2
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trong giây phút phim Hai đứa trẻđược vinh danh ở giải Cánh diều. Ảnh: ĐÀO LƯU NHÂN ÁI

____________________________

Bộ phim kết thúc khi bé Thìn trong phim trở về buôn làng và ngừng việc học. "Hiện tại có nhiều chia sẻ, động viên tinh thần lẫn vật chất từ người dân trong nước lẫn kiều bào từ Pháp, Đài Loan, Úc… Trong đó có một chị tên Hoài ở TP.HCM đến tận nơi tặng cháu Yến 10 triệu đồng để cháu đỡ suy dinh dưỡng và nhận nuôi luôn bé Thìn học hết đại học. Tháng 8 sắp tới bé Thìn sẽ được chị Hoài đóng học phí và cung cấp tiền học cho cháu đến hết đại học” - anh Tạ Quỳnh Tư nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm