Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa và một Góc nhỏ Sài Gòn

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa giã từ cõi tạm vào tối 25-7, giữa những ngày Sài Gòn đang căng mình vì dịch bệnh.

Một người lành qua đời

Suốt hôm qua (26-7), rất nhiều bạn văn, bạn báo lẫn bạn học… đã có những dòng thương tiếc nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa. Hầu hết đều là những kỷ niệm yên bình bởi dường như ai cũng quen thuộc hình ảnh hiền từ, nhẹ nhàng của anh Nghĩa mỗi khi gặp gỡ.

Chân dung nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa. Ảnh: PHONG QUANG

CHIA BUỒN

Được tin:

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa, sinh ngày 20-5-1953 tại tỉnh Chợ Lớn, đã từ trần lúc 22 giờ 25 ngày 25-7-2021 tại tư gia, hưởng thọ 68 tuổi.

Linh cữu nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Lễ viếng từ 9 giờ ngày 26-7-2021. Lễ truy điệu lúc 5 giờ 30 ngày 27-7-2021, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa từng được tặng thưởng huy chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu Vì sự nghiệp báo chí, huy hiệu Vì thế hệ trẻ và huy hiệu TP.HCM.

Ban biên tập báo Pháp Luật TP.HCM xin thành kính chia buồn cùng gia đình nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa. 

BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM 

Thấy đứa đàn em nào làm được gì mới, anh luôn vui vẻ khuyến khích “cứ làm điều mình thích”, “làm thứ mình thích đi”… Đôi khi giữa cuộc đời, có những người âm thầm cho người khác sự tin tưởng, an tâm và ta quen thuộc cảm giác an tâm đó khi nghĩ về họ, chẳng bao giờ nghĩ có ngày mất đi. Chính vì vậy dẫu biết anh mang bệnh đã lâu nhưng khi nghe tin anh đi, rất nhiều người ngỡ ngàng, dường như nhiều người mất đi một nơi để tin tưởng…

Nhiều người nói văn là người, điều này có khi đúng, có khi sai nhưng với trường hợp của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa có lẽ điều này đúng. Anh trào phúng, hài hước với những tên: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp viên Không Không Thấy, Thằng Hề... Nhưng anh cũng là một tên tuổi viết về mảnh đất, con người Sài Gòn thật khác. Trên trang văn của anh, Sài Gòn giản dị, hồn hậu mà không kém phần lịch thiệp, trang nhã.

Góc nhỏ Sài Gòn

Bạn đọc nào từng theo dõi Pháp Luật TP.HCM, kể từ số báo Chủ nhật 18-10-2015, cái tên Lê Văn Nghĩa gắn hằng tuần với mục Góc nhỏ Sài Gòn. Ở đó, vô vàn câu chuyện về văn hóa, lịch sử Sài Gòn trong ký ức nhà văn Lê Văn Nghĩa như người Chợ Lớn uống cà phê bằng dĩa, người Sài Gòn đọc báo buổi chiều, Sài Gòn và những chiếc cầu đã mất; cả những chuyện thật nhỏ về Sài Gòn mà trong tuần anh đọc thấy trên “phây” (Facebook)… Tất cả đều về mảnh đất Sài Gòn và cả Sài Gòn như một tính từ mang nghĩa bao dung, yêu thương.

Anh đã mong muốn về Góc nhỏ Sài Gòn trên Pháp Luật TP.HCM: “Góc nhỏ Sài Gòn là Sài Gòn viết hoa của ngày hôm qua và hôm nay được nhìn dưới cặp mắt và tâm hồn của người Sài Gòn hôm nay và hôm qua. Sài Gòn của con người nhân văn, Sài Gòn của văn hóa, nghệ thuật, địa lý và lịch sử hình thành nơi chốn ấy qua ngòi bút hóm hỉnh, thông minh, khoáng đạt, không đố kỵ, chính xác và trung thực. Góc nhỏ Sài Gòn dành cho những người yêu Sài Gòn từ khắp bốn phương trời, “ta bà thế giới”. Góc nhỏ Sài Gòn sẽ là nơi tâm tình của người trong nước lẫn người xa xứ từ những nơi như Sài Gòn nhỏ - little Saigon (Cali, Mỹ) đến quận 13 (Paris, Pháp), khu Cabramatta, Banktown (Úc)... Nơi nào trên thế giới có người Sài Gòn là có Góc nhỏ Sài Gòn chính ngay trong tâm hồn và cuộc sống, cũng như trong suy nghĩ hằng ngày của họ… Góc nhỏ Sài Gòn chỉ viết chuyện nhỏ, từ những cây bút nhỏ nhưng góc nhỏ của Sài Gòn là góc lớn trong tâm hồn đồng điệu của chúng ta”.

Ông đã kịp mang theo trên hành trình dài...

Trong những ngày cuối đời của ông, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Nhà xuất bản Trẻ đã ráo riết thực hiện những tập truyện trào phúng: Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ thần giáng, Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ… Nhưng rồi, nỗ lực của hai nhà xuất bản đã không đua kịp với thời gian.

Vào chiều tối qua, 26-7, với sự nỗ lực của Công ty In Nguyễn Minh Hoàng, những tác phẩm này đã hoàn thành. Hai nhà xuất bản đã kịp gửi sách để sáng nay tác giả của nó - nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa - mang theo trên hành trình dài... 

Những câu văn vui về một cuộc đời đớn đau…

Hôm nay, Sài Gòn và Pháp Luật TP.HCM tiễn anh bằng những dòng anh từng “chào sân” chuyên mục Góc nhỏ Sài Gòn trên mặt báo ngày trước: “Hãy bắt đầu từ một câu chuyện vui nho nhỏ như Mạc Ngôn (Trung Quốc, Nobel 2013) đã viết: “Chừng nào loài người còn sống là còn đau khổ. Tôi tin rằng hầu hết người đọc đều thích đọc những câu văn vui tả về một cuộc đời đớn đau”. Chuyện vui này kể về một anh chồng ở nhà không thèm làm việc gì cả vì anh ta tuyên bố với vợ nhà: Đời sinh anh ra để làm việc lớn chứ không phải để làm việc nhỏ. Nhưng việc lớn cả đời anh không làm được mà việc nhỏ anh cũng không thèm làm nên suốt đời anh ta ngồi chửi sinh bất phùng thời… Mục Góc nhỏ Sài Gòn hôm nay ra đời sẽ chỉ nói những điều không… to về Sài Gòn! Và nó cũng sẽ được thể hiện bằng giọng văn vui, dí dỏm để cho đời thêm tươi đẹp”.

Anh đi thanh thản và Sài Gòn đang đớn đau nhưng sẽ lại tươi đẹp, dí dỏm như kiểu nheo mắt hay dòng văn của anh.

Xin tiễn biệt anh và nhớ về một góc nhỏ Lê Văn Nghĩa đã làm cho Sài Gòn…

 

Những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Anh làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến 2015. Anh thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước năm 1975.

Ở lĩnh vực văn học, nhà văn Lê Văn Nghĩa để lại nhiều tác phẩm. Tác phẩm sớm nhất là Vượt sóng (năm 1986) - tập truyện ký kể lại những tháng ngày trong nhà tù Côn Đảo, tiếp theo là các tác phẩm: Thằng láu cá (năm 1989), Vua lừa (năm 1990), Hoa hậu phường Cây Mít (năm 1991), Nô tế bồ (năm 1994), Nếu Adam không có xương sườn (tuyển tập truyện vui cười về phụ nữ dưới con mắt của đàn ông xấu/Lê Văn Nghĩa sưu tầm và bình, năm 2016), Điệp viên Không Không Thấy (năm 2003), Tào lao xịt bộp (tuyển tập truyện trào phúng, năm 2010), Nỗi buồn đàn ông (năm 2017)...

Nhà văn Lê Văn Nghĩa cũng gắn với các tập hồi ức, tự truyện, khảo cứu về văn nghệ Sài Gòn một thời như Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (năm 2014); Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (năm 2018); Mùa tiểu học cuối cùng (năm 2020); Mùa hè năm Petrus (năm 2012); Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2020)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm