Ồn ào áo dài bị gọi là phong cách Trung Quốc, Sĩ Hoàng nói gì?

Chiều nay, 21-11, mạng xã hội lan truyền một đường link bài báo China Daily đăng ngày 26-10-2018, trong đó có rất nhiều hình ảnh người mẫu mặc các trang phục có thiết kế giống hệt áo dài và nón lá của Việt Nam với tiêu đề Chinese style delights China S/S Fashion Week – Phong cách Trung Quốc làm tỏa sáng thời trang Trung Quốc.
Những hình ảnh thiết kế này được bài báo giới thiệu thuộc bộ sưu tập của thương hiệu Ne-Tiger được giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 10-2018.
Kèm theo sự lan tỏa của bài báo là sự phẫn nộ của cộng động mạng cho rằng Trung Quốc âm mưu chiếm đoạt chiếc áo dài, nón lá quen thuộc, mang tính dân tộc của người Việt thành của mình. Nhiều ý kiến đã kêu gọi các nghệ sĩ Việt Nam lên tiếng phản đối điều này.
Phóng viên PLO đã trao đổi với nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng về sự việc trên. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã đưa ý kiến:
“Năm 2008, tôi và nhà báo Nguyễn Thế Thanh lúc đó đang là Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã đến Bảo tàng Kimono ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, trong Triển lãm ngàn năm Trung Quốc, ở tủ trang phục của họ, chúng tôi phát hiện ra một chiếc áo dài màu xanh ngọc, đi kèm guốc mộc và nón lá của Việt Nam nhưng lại được chú thích là “Trang phục hiện đại Trung Quốc”. Chúng tôi đã vô cùng tức giận về điều đó. Theo tôi, chúng ta có 54 dân tộc với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Kinh, vậy nên nếu họ có âm mưu khuyếch trương chiếc áo dài, nón lá của người Việt mình, biến nó thành của họ là trong tầm tay.
Thế nên, khi trở về nước, tôi luôn cảnh báo về điều này từ hơn 10 năm qua, luôn nhắc về câu chuyện này trong rất nhiều buổi nói chuyện về áo dài của tôi ở khắp các nơi nhưng có vẻ cảnh báo này không được chú ý đến. Và đến nay, dường như nó đã thành sự thật. Tôi luôn nhấn mạnh với các em trẻ, các em học sinh sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp hay xấu, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc. Mỗi người hãy xem lại trong tủ đồ của mình có chiếc áo dài chưa, bản thân mình đã từng mặc áo dài chưa.
Bản thân tôi sau phát hiện năm 2008, trở về nước cũng nhanh chóng có hành động, cố gắng thành lập Bảo tàng Áo dài một cách nhanh nhất, tất cả tên miền có tên bảo tàng áo dài tôi đều mua hết. Và tôi đã ra mắt được Bảo tàng áo dài của mình vào năm 2012”.

Ồn ào áo dài bị gọi là phong cách Trung Quốc, Sĩ Hoàng nói gì? ảnh 5
Các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam, kèm theo chiếc nón lá cũng của người Việt nhưng được gọi là phong cách Trung Quốc. 

Với câu hỏi anh nói gì với những ý kiến cho rằng chiếc áo dài hiện đại của người Việt xuất phát từ chiếc sườn xám của Trung Quốc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh: “Áo dài là áo dài, sườn xám là sườn xám, hai trang phục này không liên quan gì đến nhau. Lịch sử chiếc áo dài rất rõ ràng, bao nhiêu là bài viết của các nhà nghiên cứu có đầy trên Google, chỉ cần ai muốn tìm hiểu gõ vào là sẽ biết được”.
Được biết, hiện tại Trung Quốc, trong vài năm trở lại đây, việc gọi chiếc áo dài với thiết kế, kiểu dáng hoàn toàn quen thuộc của Việt Nam là sườn xám cách tân khá phổ biến. Những chiếc áo dài bị tráo danh là sườn xám cách tân cũng được mua bán phổ biến tại Trung Quốc. Vậy nên, đã đến lúc cộng đồng xã hội người Việt cần cảnh giác và lên tiếng mạnh mẽ về điều này.
 
NE Tiger được thành lập bởi Zhang Zhifeng (hay còn gọi là Tiger Zhang) vào năm 1982. Đây là một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu của Trung Quốc.
Tận dụng văn hóa và di sản Trung Quốc, thương hiệu này là sự kết hợp giữa hiện đại và cổ điển, hội tụ giữa Trung quốc và phương Tây, cũng như hướng tới sự hồi sinh của văn hóa thượng lưu Trung Quốc và sự xuất hiện của thương hiệu cao cấp Trung Quốc.
Sinh ra ở tỉnh Hắc Long Giang, Zhang Zhifeng lúc còn nhỏ thường được gọi là Tiểu Hổ, lớn lên, ông đã lấy tên gọi này đặt cho tên thương hiệu. Ông luôn tự coi mình là người bảo vệ và thừa kế văn hóa thời trang Trung Quốc. TÚ QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm