Sau sự kiện cây phượng bật gốc ở Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), hàng loạt trường học, công sở, di tích… đang rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên.
Chưa có danh sách cây để bảo tồn
Các trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Marie Curie, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THCS Hồng Bàng, THPT Lê Quý Đôn... đều có hệ thống cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, như trao đổi của Pháp Luật TP.HCM với ông Ngô Bá Kính, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM, thì: “TP.HCM chưa có danh sách cây để bảo tồn”.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đơn vị khảo sát, xếp loại cây di sản Việt Nam, cũng khẳng định: “TP.HCM có rất nhiều cây trên trăm tuổi nhưng chưa hề có đề xuất nào từ cá nhân, tổ chức để hướng đến bảo quản các hệ thống cây này. Việc bảo vệ cây xanh trong các khuôn viên không đơn thuần chỉ là môi trường sinh thái mà cây còn là vật thể cụ thể minh chứng cho lịch sử, văn hóa, cảnh quan của không gian. Đó cũng là công cụ để giáo dục cho các thế hệ tiếp nối về lịch sử, văn hóa”.
Cây si trăm tuổi trong lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các trường chủ động bảo vệ cây
Trong danh sách trường là di tích của TP, Trường THPT Marie Curie (quận 3) có 29 cây cổ thụ, trong đó 10 cây xà cừ trên 100 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Trường được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP nên việc chăm sóc cây, đặc biệt là những cây xà cừ lâu năm được nhà trường quan tâm. Trường luôn chủ động trong việc mé nhánh, tỉa cành, kiểm tra cây xanh thường xuyên, nếu có vấn đề gì xảy ra, nhà trường sẽ kịp thời xử lý. Bởi cây cổ thụ lâu năm có vai trò quan trọng trong nhà trường. Nó không chỉ tạo cảnh quan mà còn gợi nhớ về một dấu ấn của trường”.
“Ngoài ra, trường còn ký hợp đồng với đơn vị chống mối mọt, thường xuyên đến kiểm tra, xử lý nếu các cây cổ thụ có vấn đề. Trường cũng hợp đồng với một người chuyên chăm sóc cây thường xuyên. Khác với một số trường trong TP, nhà trường không xây bồn xung quanh cây mà tạo khoảng trống để cho cây thở, cung cấp nước, dưỡng chất cho cây” - bà Nguyễn Thị Ái Vân nói thêm.
Đề xuất phối hợp bảo vệ cây
Theo bà Nguyễn Thị Ái Vân, phía Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM luôn có những văn bản chỉ đạo quản lý về các công trình di tích kiến trúc ở trong trường, còn về cây xanh thì chưa thấy. Bà Vân hy vọng sắp tới, các sở, ban, ngành sẽ phối hợp với nhau để có một hướng dẫn chung với các trường trong việc quản lý cây xanh. Như vậy, các trường cũng dễ dàng hơn trong việc chăm sóc cũng như xử lý.
Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng có hệ thống 23 cây lâu năm trong khuôn viên trường gồm điệp vàng, phượng, nhạc ngựa… Từ trước đến nay, nhà trường cũng tự chăm sóc với việc kiểm tra cây định kỳ bốn lần trong năm. Nhà trường cũng ký hợp đồng với một đơn vị để được tư vấn chăm sóc cũng như bảo tồn, giữ gìn cây và có riêng một lao động có chuyên môn về cây xanh.
“Trường có trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn cây xanh nhưng những đơn vị khác như Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh cũng phải có trách nhiệm đối với lĩnh vực họ phụ trách. Họ phải quản lý được TP có bao nhiêu cây, trong từng trường có bao nhiêu cây lớn để rà soát. Và họ phải đặt ra kế hoạch, mỗi năm định kỳ kiểm tra cây tại các trường và có sự tư vấn. Thế nhưng hiện nay, những công việc này còn bỏ ngỏ. Đa phần các trường tự thực hiện vì nó là việc làm cần thiết” - bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết thêm.
Chưa có hệ thống quy định bảo vệ các cổ thụ Việt Nam chưa có hệ thống quy định để bảo vệ các danh mộc, cổ thụ là cây di sản (heritage trees). Một số cây di sản đã được công nhận ở Việt Nam như cây đa Tân Trào, cây dã hương ngàn tuổi, cây nhãn tổ ở Phố Hiến, cây dầu đôi ở Nha Trang… được chính quyền và cộng đồng bảo vệ nhưng chưa có hệ thống quy định rạch ròi cho vấn đề này. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Mỹ, Singapore, Thái Lan… đã có quy định và tiến hành bảo vệ cây di sản. Bởi ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội, sinh thái, cây di sản cũng có thể là sản phẩm du lịch tạo nguồn thu. |