Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đề nghị giải trình xoay quanh thông tin báo chí phản ánh về việc Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê. Cũng trong ngày hôm qua (27-5), trung tâm này đã có cuộc làm việc với nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ giải khát tại Lầu Tứ Phương Vô Sự.
Chưa đạt ý tưởng như đề án
. Thưa ông, kết quả sau buổi làm việc với nhà đầu tư như thế nào? Chủ trương của trung tâm sẽ tiếp tục khai thác hay ngừng lại?
+ Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: Qua kiểm tra thì nhà đầu tư chuẩn bị không được chu đáo và có nhiều việc cần phải uốn nắn lại. Chúng tôi đã đề nghị thay đổi lồng đèn, nhạc nhẹ nhàng đậm chất Huế và không được mở to. Ngoài ra, tất cả hình ảnh liên quan đến quảng bá sẽ dẹp bỏ. Các tờ rơi sẽ không còn chữ cà phê.
Chúng tôi cũng sẽ bố trí một tủ sách tại Lầu Tứ Phương Vô Sự để khách có thể đọc sách nếu có nhu cầu. Dự kiến, chúng tôi cũng sẽ hướng đến việc nghiên cứu tổ chức đêm thơ, ca Huế. Ngoài ra, bên trung tâm cũng đề nghị nhà đầu tư bán nước giải khát tại không gian bên ngoài, bên trong dùng để trưng bày. Tuy nhiên sẽ không tuyệt đối cấm du khách ngồi uống nước bên trong. Nói chung, việc kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ vừa làm vừa nghe ngóng và điều chỉnh cho hợp lý chứ không bỏ.
Quầy tính tiền được chủ đầu tư xây thêm bên trong lầu nhưng vẫn được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho phép.Ảnh: Đình Dũng
. Chủ trương kinh doanh di tích không sai nhưng cách mà nhà đầu tư đang làm với Lầu Tứ Phương Vô Sự đã đúng với ý tưởng đề án chưa, thưa ông?
+ Hiện “sản phẩm” vẫn chưa thực sự hoàn thành. Vì thực tế đến ngày 1-6, hiệu lực hợp đồng với nhà đầu tư mới chính thức bắt đầu. Nhà đầu tư đã khai trương sớm hơn và có những việc làm hơi vội vàng. Vì vậy, chưa đạt như ý tưởng nhưng không thể đòi hỏi trong điều kiện hiện tại là hơn được.
Hiện cũng có ý kiến cho rằng phải trả lại công năng cho di tích nhưng làm sao mà trả được? Tìm đâu ra hoàng tử để đọc sách vì chủ thể giờ đây đã khác rồi. Một công trình đẹp thế này sao không để người dân được thưởng thức?
Không đủ tư liệu để phục hồi
. Có ý kiến cho rằng khu vực bên trong phải phục hồi như bảo tàng và tuyệt đối không thể để khách ngồi trong đó?
+ Nếu bắt nhà đầu tư trả lại không gian bên trong thì khách ngồi ở đâu? Còn về nội dung trưng bày phục hồi bàn ghế như trước đây thì chúng tôi chưa có nhiều tư liệu. Thông tin là các công chúa, hoàng tử học bài nhưng không có hình ảnh, tư liệu để lại, không biết bàn ghế ngày xưa như thế nào. Chúng tôi rất muốn làm được như thế nhưng giờ chưa đủ tư liệu nên trong quá trình làm có gì làm chưa phải thì sẽ điều chỉnh từ từ. Mục tiêu chung là muốn có điểm phục vụ cho du khách, có nơi thưởng ngoạn, quảng bá là chính còn việc kinh doanh thương mại không phải là bằng mọi cách. Cuối cùng nhất là để đạt được mục đích văn hóa.
. Nếu việc khai thác tiếp tục bị dư luận phản ứng thì quan điểm của trung tâm sẽ như thế nào, thưa ông?
+ Nếu dư luận tiếp tục phản ứng thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra để thấy cần làm hay không? Cơ quan chức năng xử lý thế nào thì chúng tôi sẽ làm như thế. Còn quan điểm của chúng tôi, người bảo vệ di tích thì cho rằng nên làm. Ở Huế, du khách nói rất nhiều về dịch vụ yếu, không có không gian để người ta vui chơi, thưởng ngoạn và họ mong có một chỗ uống nước đàng hoàng. Tại sao mình không hướng đến điều đó? Nó chỉ phát huy tốt giá trị di tích chứ không xâm hại di tích.
. Xin cảm ơn ông.
Chỉ nên cho kinh doanh bên ngoài Quan điểm của tôi là với di tích phải tôn trọng. Lầu Tứ Phương Vô Sự công năng để cho hoàng tử, công chúa học thì giờ đây chúng ta phục hồi để làm gì và việc phục hồi phải làm cho đúng. Ở đó có thể trưng bày hình ảnh ông vua Bảo Đại học, các thầy dạy học hoặc sách của các hoàng tử, công chúa học thì là sách gì? Sách đó có thể trưng bày. Khi đã phục hồi được rồi phải coi đó như bảo tàng. Tuy nhiên, chúng ta không cấm kinh doanh. Tôi qua nhiều nước châu Âu thì họ cũng kinh doanh cà phê, đồ ăn. Nhưng vấn đề là bán như thế nào. Kinh doanh phải đưa bàn ghế ra ngoài ngồi chứ không thể vào trong ngồi được. Ngay cả việc kinh doanh cũng phải tổ chức cẩn trọng từ người phục vụ đến cách nói năng, ăn mặc chứ không thể luộm thuộm như hiện nay. Phải nói rằng với cách tổ chức, bài trí ở Lầu Tứ Phương Vô Sự là không thích hợp cho việc kinh doanh nơi di tích. Còn về việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói là không có tư liệu để phục hồi, sao không tổ chức hội thảo phục hồi nội dung Lầu Tứ Phương Vô Sự để những ai có tư liệu thì họ sẽ cung cấp. Nhà nghiên cứu NGUYỄN ĐẮC XUÂN |
MAI PHƯƠNG