Cụ thể, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua vào ở mức 73,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 76,5 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều so với trước kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng cộng thêm 3,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 2, 6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên gần nhất, đẩy giá mua – bán vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này lên 73,6 – 76,5 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, Công ty Vàng bạc đá quý DOJI còn nâng giá mua – bán vàng miếng SJC lên 72 – 77 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng thêm 4 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán tại DOJI hiện nới rộng lên tới 5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng.
Phải chăng thông báo của Ngân hàng Nhà nước về việc “đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng” đưa ra vào chiều ngày 28-12 đã hết “màu nhiệm”.
Trước đó Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Ngay khi thị trường đón nhận thông tin này, giá vàng miếng SJC đã liên tiếp lao dốc. Bằng chứng là chỉ trong vài phiên cuối cùng của năm 2023, giá vàng miếng SJC đã “bốc hơi” đến 10 triệu đồng mỗi lượng, chênh lệch giữa vàng miếng SJC với giá thế giới cũng đột ngột thu hẹp từ mức 18,5 triệu đồng/lượng xuống còn quanh ngưỡng 10 triệu đồng/lượng.
Thế nhưng ngay sau khi thị trường vàng trở lại sau kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch 2024 thì giá vàng miếng SJC nóng trở lại. Các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh biên độ tăng của vàng miếng SJC từ mức chỉ nhích tăng khoảng 500.000 đồng/lượng vào đầu giờ sáng nay, sang đến phiên chiều đã tăng tới 2,5 – 4 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, các loại vàng nhẫn 9999 tăng không đáng kể, chỉ khoảng 150.000 đồng/lượng, giao dịch phổ biến quanh mức 62 – 63,1 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới đang dao động quanh mức 2.072 USD/ounce, cao hơn 7 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối năm.