Vàng miếng SJC bất ngờ tăng dữ dội

(PLO)- Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, mỗi lượng vàng miếng SJC chỉ tăng khoảng nửa triệu đồng thì đến chiều, mức tăng được điều chỉnh cao gấp đôi.

Vào đầu giờ chiều nay, ngày 26-4, giá vàng miếng liên tục được điều chỉnh tăng.

Đầu giờ sáng, biên độ tăng của mỗi lượng vàng miếng chỉ khoảng 500.000 đồng/lượng thì đến đầu phiên chiều, mức tăng của mỗi lượng vàng bật lên 800.000 – 900.000 đồng/lượng.

Giá vàng miếng cộng thêm 1.000.000 đồng/lượng ở chiều mua

Theo đó, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện ở mức 83 – 85,2 triệu đồng/lượng, cộng thêm 1.000.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng thêm 900.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 vẫn bám sát theo diễn biến của thị trường vàng quốc tế. Qua đó, mỗi lượng vàng nhẫn tròn trơn chỉ tăng 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, so với giá đóng cửa chiều qua, giao dịch mua – bán quanh ngưỡng 73,6 – 75,3 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế giá vàng giao ngay phổ biến ở mức 2.345 USD/ounce, tăng 14 USD/ounce so với 1 ngày trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý màu vàng trên thị trường thế giới tương đương khoảng 72 triệu đồng/lượng. Với mức giá này, vàng thế giới đang thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13,2 triệu đồng/lượng.

Vàng miếng SJC tăng mạnh. Ảnh: T.L

Vàng miếng lại cách biệt rất xa so với giá vàng thế giới

Nhạy cảm với thông tin về việc NHNN sẽ sớm tăng cung vàng miếng SJC nên khi phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên diễn ra, chênh lệch giữa vàng miếng SJC và thế giới đã nhanh chóng rút xuống còn 9 triệu đồng/lượng.

Thế nhưng, sau một phiên đấu thầu thành công, với 3.400 lượng vàng miếng SJC được "chảy" về hai đơn vị đấu thầu là Công ty SJC và ngân hàng ACB thì khoảng cách này bất ngờ nới rộng lên đến 12-13 triệu đồng/lượng.

Điều đó cho thấy, mục tiêu kéo giảm chênh lệch giữa vàng miếng và giá vàng thế giới bằng giải pháp đấu thầu vàng miếng đã không diễn ra như kỳ vọng của cả nhà điều hành lẫn người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, trong phiên đấu thầu vàng miếng tiếp theo, vào ngày (25-4) đã bị hủy do chỉ có duy nhất ngân hàng ACB nộp phiếu dự thầu.

Đánh giá về giải pháp kéo giảm chênh lệch vàng thế giới và vàng miếng SJC bằng cách đấu thầu vàng của NHNN, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho rằng nếu điều kiện đấu thầu vẫn được NHNN giữ nguyên như hiện nay thì mục tiêu kéo giảm chênh lệch vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có lẽ rất khó đạt được kết quả như mong đợi.

Bởi lẽ, theo quy định đấu thầu vàng miếng SJC mà NHNN đưa ra, mỗi đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt mua với khối lượng tối thiểu là 1.400 lượng và khối lượng tối đa là 2.000 lượng.
"Tức là nếu trúng thầu, doanh nghiệp sẽ phải nộp ngay số tiền ít nhất là gần 114 tỉ đồng. Phải xoay ngay khoản tiền lớn như vậy trong một thời gian ngắn đã là một thách thức đối với đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Do đó, nếu NHNN xem xét giảm khối lượng đặt mua tối thiểu từ 1.400 lượng xuống khoảng 400-500 lượng thì tôi cho rằng sẽ có nhiều đơn vị đăng ký mua hơn"- ông Phương nói.

Bên cạnh đó, ông Phương cho biết thêm, về nguyên tắc khi kinh doanh vàng là cân đối trạng thái, không được để dư cũng không được để thiếu quá nhiều so với vốn ban đầu. Có nghĩa là lượng vàng mua vào chỉ vừa đủ để bù đắp cho số lượng vàng miếng mà họ đã bán trước đó.
Do đó, không có doanh nghiệp kinh doanh vàng nào để âm trạng thái lên đến 1.400 lượng cả. Nếu doanh nghiệp kinh doanh vàng không bị mất cân đối trạng thái mà lại đi đặt mua đến 1.400 lượng vàng miếng thì khác nào mua để nhằm mục đích đầu cơ, chờ giá lên.

"Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động khôn lường như giai đoạn hiện nay, cộng thêm với rủi ro về mặt chính sách, càng khiến những doanh nghiệp vàng không dám “ôm” vàng miếng” - ông Phương khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới