Vàng miếng SJC đóng băng, vàng nhẫn 9999 tăng phi mã

(PLO)- Trong khi giá bán vàng miếng SJC "đóng băng" ở vùng giá 81 triệu đồng một lượng trong hơn 2 tuần trở lại đây, thì giá vàng nhẫn 9999 liên tục lập kỷ lục mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-8, giá bán vàng miếng SJC tại nhóm Big 4 và Công ty SJC vẫn giữ nguyên ở mức 81 triệu đồng một lượng. Như vậy, mức giá cao nhất của vàng miếng SJC kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi cách bình ổn thị trường đã được “đóng băng” từ ngày 20-8 đến nay.

Giá vàng nhẫn 9999 lập kỷ lục

Trong khi đó, đầu giờ chiều nay, vàng nhẫn tròn trơn 9999 được SJC niêm yết giá mua – bán ở mức 77,4 - 78,65 triệu đồng, tăng thêm 50.000 đồng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa chiều qua.

Nhẫn trơn 24K tại Sacombank- SBJ tiếp tục xác lập kỷ lục mới ở vùng giá 76,9 – 79 triệu đồng/lượng, sau đó giảm nhẹ khoảng 50.000 đồng ở cả hai chiều. Dù giá vàng nhẫn trơn 9999 được doanh nghiệp này điều chỉnh giảm, song đây vẫn là mức giá cao chưa từng có của loại sản phẩm này.

Giá vàng thế giới duy trì đà tăng, hiện dao động quanh ngưỡng 2.517 USD/ounce, tăng thêm 13 USD/ounce so với chốt phiên hôm trước, do đồng USD tiếp tục suy yếu. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 76 triệu đồng, thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 5 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn 9999 hiện chỉ đắt hơn vàng miếng SJC chưa tới 3 triệu đồng/lượng.

Mới đây, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu (thuộc ngân hàng UOB) cho rằng: “Chúng ta có thể kỳ vọng giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)".

Theo quan sát của ông Heng Koon How, kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023, vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bất chấp các biến động gần đây trên thị trường toàn cầu với việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên, vàng vẫn là nơi trú ẩn ổn định. Trong khoảng 2 tuần gần đây, giá vàng thế giới giữ ổn định ở vùng giá 2.500 USD/ounce, tương ứng tăng 25% so với mức 2.000 USD/ounce vào tháng 1.

“Bên cạnh đó, động lực chính thúc đẩy các nhà đầu tư phân bổ dài hạn vào kim loại quý, bởi lẽ vàng là công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư rất mạnh và điều đó đã được chứng minh. Bất chấp các biến động lan rộng và chuyển động lên xuống trong ngày của thị trường chứng khoán toàn cầu vào đầu tháng 8, giá vàng vẫn tương đối ổn định quanh mức 2.400 USD/ounce trước khi tăng mạnh hơn nữa lên mức 2.500 USD/ounce gần đây nhất.

Mặc dù có thể còn quá sớm để đánh giá, nhưng việc tăng thêm nữa trong dài hạn lên mức 3.000 USD/ounce không phải là điều không thực tế”, ông Heng Koon How cho biết.

vàng miếng SJC
Giá vàng miếng SJC bất động, trong khi vàng nhẫn tròn trơn liên tục leo dốc. Ảnh: T.L

Triển vọng tươi sáng trong dài hạn của vàng

Hai động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của giá vàng mạnh lên kể từ cuối năm ngoái đó là nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương. Dự kiến việc cắt giảm lãi suất toàn cầu là yếu tố thứ ba thúc đẩy nhu cầu vàng trong những tháng tới.

Trong số những ngân hàng trung ương phân bổ dự trữ ngoại hối mạnh vào vàng, Trung Quốc được xem là một trong những ngân hàng mạnh tay nhất.

Theo cập nhật của Hội đồng Vàng Thế giới, tính đến tháng 5-2024, lượng vàng chính thức mà Trung Quốc nắm giữ hiện đã tăng lên khoảng 2.300 tấn, xấp xỉ đạt 5% tổng dự trữ ngoại hối và tăng 20% so với cuối năm 2022 (1.900 tấn).

Còn tại Mỹ, Fed hiện nắm giữ khoảng 8.100 tấn vàng, tương ứng khoảng 630 tỉ USD, con số này chiếm 9% trong tổng bảng cân đối kế toán trị giá 7.200 tỉ USD của nước này.

“Trong bối cảnh rủi ro về xung đột thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, chưa kể các lệnh trừng phạt, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương ở những thị trường mới nổi và khu vực Châu Á sẽ có động lực mạnh mẽ để phân bổ dự trữ ngoại hối nhiều hơn vào vàng", ông Heng Koon How nêu quan điểm.

Trên thực tế, một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới về các ngân hàng trung ương toàn cầu đã kết luận rằng lý do chính khiến các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi phân bổ nhiều hơn vào vàng là vì vàng được coi là miễn nhiễm với rủi ro thanh toán bằng USD và rủi ro các lệnh trừng phạt.

Cắt giảm lãi suất của Fed sẽ “kích hoạt” cho giá vàng “bay cao”

Ngoài những động lực tích cực nêu trên, ông Heng Koon How còn đưa ra yếu tố thứ ba sẽ làm tăng nhu cầu vàng trong những tháng tới.

“Trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đang giảm dần gần đây và thị trường việc làm tại Mỹ suy yếu, hiện có sự đồng thuận rằng Fed có thể sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới đây. Cụ thể, chúng ta có thể kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang vào tháng 9 và tháng 12. Sau đó, Fed sẽ cắt giảm 100 điểm cơ bản trong suốt năm 2025, với tốc độ giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý.

Thị trường toàn cầu biến động gần đây, nhà đầu tư thậm chí kỳ vọng Fed sẽ còn cắt giảm lãi suất lớn hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ hạn 10 năm giảm từ 4,5% trong quý 2 xuống chỉ còn dưới 4% vào tháng 8. Đợt cắt giảm lãi suất dự kiến này của Fed, cùng với lãi suất thấp hơn và lợi suất trái phiếu dài hạn giảm, sẽ là động lực tích cực quan trọng cho giá vàng”, Heng Koon How cho biết thêm.

Kết quả cuộc thăm dò do Viện Gallup (công ty tư vấn và phân tích nổi tiếng với các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ) vừa công bố vào tháng 5 cho thấy, vàng đứng thứ ba trong danh sách các tài sản mà người Mỹ coi là khoản đầu tư dài hạn tốt nhất, chỉ sau bất động sản và cổ phiếu.

Cụ thể, có 36% số người được hỏi lựa chọn kênh đầu tư hàng đầu là bất động sản, tiếp theo là cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ (22%), vàng (18%) và tài khoản tiết kiệm (13%). Gallup phát hiện ra rằng "rất ít người Mỹ tin rằng trái phiếu (4%) hoặc tiền điện tử (3%) là khoản đầu tư dài hạn tốt nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm