Tính đến chiều ngày 25-9, giá vàng thế giới đã dao động quanh mốc 2.655 USD/ounce, tăng thêm khoảng 150 USD/ounce so với đầu tháng 9, tương ứng tăng trên 4,6 triệu đồng/lượng (chưa tính các loại thuế phí).
Liên tục thiết lập những mốc cao
Cùng chiều với đà đi lên của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn 9999 tại thị trường trong nước cũng liên tục thiết lập những mốc cao chưa từng có.
Nếu trong phiên sáng ngày 25-9, đỉnh mới của vàng nhẫn tròn trơn là 82,5 triệu đồng/lượng, thì sang đến đầu giờ chiều mốc giá cao mới đã là 83 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính từ đầu tháng 9 đến lúc này vàng nhẫn 9999 đã tăng thêm khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, vàng miếng SJC vẫn bình chân như vại, khi cùng khoảng thời gian này chỉ tăng thêm 1,5 triệu đồng mỗi lượng. Hiện giá mua bán tại Công ty SJC được niêm yết ở mức khoảng 81,5 - 83,5 triệu đồng/lượng.
Khi giá vàng nhẫn 9999 biến động mạnh, ngay lập tức các tiệm vàng nới rộng khoảng cách chênh giá mua – bán với mục đích phòng vệ rủi ro. Với biên độ càng rộng, tiệm vàng sẽ mua được giá thấp hơn và bán ra với giá cao hơn. Đặc biệt, với xu hướng tăng như hiện nay, các tiệm vàng thường sẽ để giá bán cao và niêm yết giá mua gần với giá thế giới.
Ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích thị trường vàng bạc tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định, mức tăng gần 30% của vàng trên thị trường quốc tế tính từ đầu năm đến nay là mức tăng tốt nhất trong 14 năm trở lại đây.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế phân tích: Nguyên nhân giá vàng thế giới liên tục leo dốc trong thời gian qua chủ yếu đến từ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và bất ổn địa chính trị tại một số khu vực.
Bên cạnh đó, nhu cầu gom mua vàng như là tài sản dự trữ của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tạo thêm động lực thúc đẩy giá vàng đi lên. Dựa trên cơ sở này, giá vàng thế giới có thể tăng đến 2.750 USD/ounce và thậm chí đến 2.850 USD/ounce.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ, giá vàng thế giới có thể sẽ tăng lên 2.900 USD/ounce vào cuối năm, bởi ngay cả khi giá kim loại quý liên tục leo dốc vẫn không thể ngăn cản lực mua của các ngân hàng trung ương.
Chứng kiến đà tăng phi mã của giá vàng thế giới, với hàng loạt kỷ lục về giá liên tục bị xô khiến mọi dự báo về giá vàng của các chuyên gia kinh tế trở nên lỗi thời chỉ trong thời gian ngắn. Trong 9 phiên giao dịch gần đây, chỉ có hai phiên không có mức giá cao mới nào được thiết lập, còn lại các phiên khác những kỷ lục mới của giá vàng đều dễ dàng bị xô đổ.
Khóc ròng vì khan hiếm vàng nhẫn 9999
Chuyên gia kinh tế Dương Anh Vũ phân tích: Những người mua vàng 9999 từ đầu năm và đến giờ chưa bán đang ghi nhận mức lợi nhuận lên đến 30-32%. Riêng với vàng miếng SJC, từ đầu năm đến nay chỉ tăng khoảng 10%. Thậm chí, ai đu đỉnh vùng giá cao kỷ lục là 92,4 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 5, đến nay khoản đầu tư vàng miếng SJC này đang “lỗ” gần 11%.
Mặc dù giá vàng nhẫn trong nước cũng như thế giới đã tăng rất nhiều trong năm nay nhưng kim loại quý này vẫn có khả năng sinh lời. Dĩ nhiên khi giá trên vùng 2.650 USD/ounce thì nhà đầu tư không nên mua vào, mà chỉ nên mua xuống tiền khi giá vàng thế giới có bước điều chỉnh về vùng 2.590 USD/ounce, tương đương vàng nhẫn 9999 dao động quanh ngưỡng 80 triệu đồng/lượng.
"Tuy nhiên, nếu bỏ vốn vào vàng, nhà đầu tư nên chọn vàng nhẫn 9999 vì sản phẩm này có biên độ niêm yết giá thu hẹp, dễ kiếm lời hơn”, ông Vũ nêu quan điểm.
Trên thực tế ai cũng biết, so với đầu tư chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, gửi tiết kiệm thì đổ tiền vào vàng nhẫn đang là sự lựa chọn tốt nhất. Thế nhưng hành trình tìm mua vàng nhẫn 9999 cũng vô cùng gian nan.
Anh Quang Huy, quận Tân Bình kể: Nghe nói, giá vàng sẽ còn tăng nên mấy hôm trước, tôi ghé Công ty SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 để mua vàng nhẫn 9999 mà ở đây quy định mỗi người chỉ được mua nửa chỉ. Tiếc thời gian đi lại, chờ đợi nên tôi thăm dò một vài người xung quanh được biết có thể “lách” bằng cách mua 0,5 chỉ bằng tiền mặt, 0,5 chỉ khác thanh toán qua hình thức chuyển khoản.
Vậy là sau khi chờ đợi ở khu vực mua vàng bằng tiền mặt, tôi lại tốn thêm 30 phút chờ đợi ở khu vực mua vàng bằng hình thức chuyển khoản, mới gom đủ… 1 chỉ.
"Đến hôm qua quay lại thì công ty đã tăng hạn mức lên mỗi người được mua 1 chỉ, nhưng đến ai đến sớm mới còn hàng. Nếu ai chưa mua được, hoặc muốn mua tiếp thì hom sau quay lại”, anh Quang Huy kể.
Chị Hồng Nga, TP Thủ Đức cho biết: Xưa nay, tôi có thói quen mua vàng nhẫn của PNJ. Bình thường, cứ khi nào gom đủ tiền để mua 1 chỉ, 2 chỉ là tôi lại ghé vào chi nhánh bất kỳ để mua. Nhưng gần đây liên hệ số điện thoại tổng đài thì được thông báo vàng miếng SJC, nhẫn trơn đều hết hàng trên toàn hệ thống và chỉ còn vàng trang sức. Thấy vậy, tôi phải đi gõ cửa từng chi nhánh PNJ ở gần cơ quan, nhưng tìm đỏ mắt mà không nơi nào thông báo có hàng.
"Chạy trên đường rạc cả người, may mắn làm sao mà cửa hàng PNJ ở quận Phú Nhuận còn… sót 3 chỉ. Nghe nhân viên thông báo có vàng nhẫn 9999, tôi chốt đơn liền, trong khi vị khách hàng đến chậm hơn tôi khoảng mấy chục giây đã phải về tay trắng. Nhân viên ở đây cho biết, nếu muốn mua số lượng nhiều hơn họ sẽ gom đủ số vàng rồi gọi điện thông báo cho khách đến thanh toán theo giá tại thời điểm nhận hàng. Tuy nhiên, không một nhân viên nào có thể dự đoán thời gian gom hàng phải mất bao nhiêu ngày”, chị Nga than thở.
Cần tăng gấp nguồn cung vàng nguyên liệu
Lý giải về việc giá vàng nhẫn 9999 tăng chóng mặt và khan hiếm, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng cho biết: Nguyên nhân chính khiến giá vàng nhẫn liên tục lập đỉnh chủ yếu đến từ việc giá vàng thế giới thời gian gần đây tăng mạnh. Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém đó là nguồn cung nguyên liệu đã khan hiếm đến mức trầm trọng. Lực cầu tăng, trong khi nguồn cung gần như không có thì giá vàng tăng cũng là điều dễ hiểu.
Điều lạ lùng là giờ đây mua vàng miếng SJC có phần dễ thở hơn là mua vàng nhẫn tròn trơn. Hiện người dân vẫn có thể đặt mua vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước hoặc Công ty SJC. Nhưng muốn mua vàng nhẫn 9999 tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như PNJ, SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu… thì không phải ai cũng mua được, do hoạt động thu mua vàng nguyên liệu từ người dân rất hạn chế.
Trước thực trạng này, ông Phương nêu quan điểm: "Ngân hàng Nhà nước cần phải tính toán đến việc cho phép doanh nghiệp vàng được nhập khẩu vàng nguyên liệu, để họ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ… Không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì ngoại tệ vẫn âm thầm chảy qua đường nhập lậu. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, không chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu cho nhà nước và thị trường ngoại tệ chợ đen cũng sẽ yên ắng hơn.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho rằng: Giải pháp bán vàng miếng của NHNN như hiện nay chỉ là giải pháp mang tính tình thế và không thể kéo dài mãi. Khi NHNN tăng nguồn cung vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC, ngay lập tức thị trường chợ đen hoạt động sôi động.
Giải pháp căn cơ là phải cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Khi mà cung - cầu cân đối, người dân sẽ không còn cảnh phải săn lùng vàng miếng SJC hay vàng nhẫn 9999 như hiện nay.
Vẫn chưa có thêm miếng vàng nguyên liệu nào
Hồi đầu năm nay, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có văn bản trình NHNN cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp gồm SJC, PNJ và DOJI để chế tác vàng nữ trang.
VGTA kiến nghị, trước mắt cho phép mỗi doanh nghiệp này được nhập 500 kg vàng/năm. Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa có thêm miếng vàng nguyên liệu nào được cấp phép nhập và có lẽ đề xuất đó đã lặng lẽ chìm vào dĩ vãng…