Bộ Nội vụ vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo đề án thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đáng chú ý, Học viện Hành chính Quốc gia được đề xuất là đơn vị độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho các cơ quan trung ương và địa phương.
Chỉ có bốn điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, thống nhất và chuẩn hóa công tác kiểm định chất lượng đầu vào công chức là một đề án lớn, quan trọng. Có thực hiện chuẩn hóa công tác này thì mới có đội ngũ công chức có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, Bộ Nội vụ đưa ra lộ trình thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức đối với các cơ quan trung ương từ năm 2021 đến 2022 và triển khai trong cả nước từ năm 2023.
Về quy trình, cách thức thực hiện kiểm định, Bộ Nội vụ đưa ra hai phương án và chọn phương án một. Theo đó, phương án này thực hiện theo quy trình hai vòng và ở vòng 1 sẽ theo hai bước.
Bước 1, các thí sinh nộp đơn đăng ký dự tuyển cho đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bước 2, đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào tổ chức kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các thí sinh đạt điều kiện.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được cấp giấy chứng nhận.
Giấy chứng nhận này là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng và có giá trị sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng 2. Giấy chứng nhận có giá trị trong phạm vi cả nước, cho tất cả vị trí tuyển dụng.
Có bốn điểm thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức tập trung là Hà Nội, TP.HCM, Huế và Buôn Ma Thuột.
Trường hợp các thí sinh không có điều kiện kiểm định tại bốn địa điểm trên thì đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào bố trí nhân sự, phần mềm, ngân hàng đề thi để thực hiện kiểm định tại địa phương.
Thi tuyển công chức tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Sẽ là một loại “giấy phép con”?
Một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng mục tiêu đầu tiên của đề án là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Nếu không đặt ra “sàn” thì mỗi nơi một kiểu, “trăm hoa đua nở” bởi việc tuyển dụng hoàn toàn thuộc về các địa phương. Cạnh đó, đầu vào công chức ở các địa phương luôn khác nhau do không có mặt bằng chung.
Một vị chuyên gia khác cho rằng mục tiêu đặt ra là tốt, tuy nhiên việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào phải gắn liền với việc đổi mới đồng bộ cơ chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức trên cơ sở vị trí việc làm. “Cần làm đồng bộ tất cả việc trên chứ không chỉ làm mỗi việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Thử hình dung nếu những việc khác vẫn như cũ, chỉ là trong hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức yêu cầu phải có thêm giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì giấy này khác gì một loại “giấy phép con”” - vị chuyên gia này nói.
Đã phân cấp nhưng chất lượng tuyển dụng công chức không cao Vị trí công chức không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần có năng lực, kỹ năng của hoạt động công vụ. Quá trình tuyển dụng hiện chưa thực sự là quá trình đánh giá năng lực với những thước đo hiệu quả để tuyển đúng ứng viên cho vị trí công chức cần tuyển. Mô hình tuyển dụng công chức theo hướng phân cấp cũng bộc lộ những hạn chế về cách làm, về việc bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch trong hoạt động tuyển dụng, chi phí tuyển dụng, dẫn đến chất lượng, hiệu quả tuyển dụng công chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. (Trích dự thảo tờ trình của Bội Nội vụ) |
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Hòa (Đồng Tháp) thẳng thắn cho rằng việc kiểm định chất lượng đầu vào là cần thiết nhưng “thủ tục” thì cần đơn giản, nhẹ nhàng, tránh gây phiền hà cho người dự tuyển.
Từ đó, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp không ủng hộ việc giao cho duy nhất một đầu mối thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức. “Tôi từ tỉnh Đồng Tháp phải lên TP.HCM thi tuyển vòng 1, tốn kém thời gian, tiền của, đi lại, ăn ở. Sát hạch xong lại về Đồng Tháp thi tuyển vòng 2” - ông Hòa nói.
Quan trọng hơn, ông Hòa lo ngại không khéo dẫn đến lợi ích nhóm, phát sinh tiêu cực, thí sinh không đạt yêu cầu vẫn có được giấy chứng nhận…
ĐBQH Trần Văn Hòa cho rằng không nên tuyển vào hệ công chức những người sử dụng tiền bạc, quan hệ với các lãnh đạo để chạy chọt. “Những người đó cần phải loại ra. Phải tuyển được đội ngũ công chức có chất lượng cao để làm sao phục vụ cho Nhà nước, cơ quan, phục vụ cho dân” - ông Hòa nói.
“Tại sao không giao cho địa phương thực hiện, khi UBND tỉnh đã được phân cấp tuyển dụng công chức? Có thể là Sở Nội vụ hay một trường chính trị vì mỗi tỉnh đều có một trường chính trị làm việc đó. Bộ Nội vụ đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm” - ông Hòa đề xuất.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng đầu vào chỉ giải quyết một vấn đề nhỏ, không phải căn cơ. “Vấn đề mấu chốt là các cơ quan phải xây dựng được vị trí việc làm, kèm theo đó mỗi vị trí việc làm gắn với tiêu chuẩn, điều kiện, bằng cấp, thi tuyển” - vị này nêu quan điểm.
Vì sao Học viện Hành chính Quốc gia được lựa chọn? Theo Bộ Nội vụ, lý do giao Học viện Hành chính Quốc gia làm đơn vị độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức vì cơ sở này “có đầy đủ năng lực để thực hiện đúng đắn và chính xác” công việc. Để tăng tính thuyết phục, dự thảo đề án cho biết học viện này có một giáo sư, 26 phó giáo sư, 106 tiến sĩ, chiếm 20% trên tổng số công chức, viên chức và người lao động toàn học viện. Cạnh đó, học viện cũng có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cơ bản, quan trọng để phục vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho toàn hệ thống các cơ quan nhà nước. Với việc có trụ sở chính tại Hà Nội và có ba phân viện tại Huế, Buôn Ma Thuột và TP.HCM, dự thảo đề án cho rằng học viện sẽ bảo đảm việc tổ chức kiểm định được thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, giảm được các chi phí xã hội. Quan trọng hơn, việc giao cho học viện nhiệm vụ này sẽ bảo đảm tính khách quan trong đánh giá chất lượng công chức. “Việc giao cho học viện thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức chỉ là giao thêm nhiệm vụ, giúp khai thác và phát huy nguồn nhân lực, kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện có của học viện, không làm phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Bộ Nội vụ và cũng không làm tăng thêm biên chế” - bản dự thảo đề án viết. Bình luận về việc này, một chuyên gia không muốn nêu tên cho rằng những nhận định trên của dự thảo đề án là khá chủ quan. “Những người có các chức danh học hàm, học vị không có nghĩa là sẽ làm tốt việc kiểm định” - vị chuyên gia nhận xét. |