VAR cho V-League để ‘đánh thức’ sự minh bạch

Theo quy chế của FIFA thì bất kỳ giải bóng đá quốc tế hay quốc gia nào nếu trang bị VAR đều phải đưa lực lượng trọng tài, trợ lý đi đào tạo và tập huấn do FIFA mở lớp.

Với V-League 2019, kế hoạch là giai đoạn 2 sẽ trang bị VAR cho một số sân và bước đầu là VAR kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Và mục đích của những nhà tổ chức đưa VAR vào không phải là phong trào mà là để “nâng cấp” bóng đá lẫn quy mô giải đồng thời… “đánh thức” sự minh bạch.

Trả lời báo chí, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết: “Hiện nay các sân V-League cũng đủ điều kiện để đặt các máy quay phục vụ công nghệ hỗ trợ video cho trọng tài (VAR). Tối thiểu tám máy quay đặt trên sân cùng với đó là các xe chuyên dụng hỗ trợ như một phòng kỹ thuật hỗ trợ, thay vì các phòng chức năng trong sân”…

Trên xe chuyên dụng đó, các trợ lý VAR sẽ làm việc như cách chúng ta vẫn thường thấy ở các giải quốc tế có VAR.

Và nếu V-League có VAR thì việc hỗ trợ lắp đặt và kỹ thuật là do phía các công ty Thái Lan hỗ trợ chính nhiều mặt.

VAR cho trận đấu là cả một hệ thống cùng đội ngũ được đào tạo, huấn luyện và cấp phép,  tất nhiên khác xa với kiểu cho trọng tài xem lại từ hình ảnh của nhà đài. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, có một thực tế rằng việc trang bị VAR cho giải cần phải được trình lên FIFA và tổ chức này sẽ hỗ trợ các lớp đào tạo, tập huấn chính quy rồi mới được tiến hành các khâu kỹ thuật chứ không phải thích là làm.

Hôm 29-4, Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan (FAT), tướng Somyot ra lệnh giai đoạn 2 Thai-League 2019 các sân sẽ phải trang bị VAR. Tuy nhiên, một quan chức trong ban chấp hành FAT đánh tiếng cảnh báo rằng không phải muốn làm là làm ngay. VAR hiện đang do FIFA quản lý vì nó liên quan đến luật chơi và có sự can thiệp mạnh mẽ của IFAB (Ủy ban Các LĐBĐ quốc tế, nơi quyết định luật chơi bóng đá) nên khi áp dụng VAR vào giải thì phải đề xuất lên FIFA và tổ chức này tiến hành các lớp tập huấn, đào tạo chính quy cho trọng tài, trợ lý và trợ lý VAR một cách căn cơ, cùng với đó là trang thiết bị VAR phải được FIFA kiểm tra nhiều hạng mục.

Nói khác đi là việc trang bị VAR phải có lộ trình, mà lộ trình này là không phải một sớm một chiều được. Nó phải qua các đề án, trình lên FIFA, FIFA bố trí tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, thẩm định kỹ thuật trang thiết bị VAR…

FIFA rất nghiêm khắc và cẩn thận với VAR, việc mùa UEFA Champions Leagua này không có một trọng tài Anh nào làm nhiệm vụ từ tứ kết cũng dễ hiểu vì Premier League chưa chịu trang bị VAR nên trọng tài Anh chưa được tập huấn. Tất nhiên họ bị loại khỏi cuộc chơi Champions League từ tứ kết (vòng đầu tiên bắt đầu có VAR) là phù hợp. Nói thế để thấy rằng công tác con người và kỹ thuật phục vụ khi có VAR là rất quan trọng.

Thái Lan nơi có các công ty thi công kỹ thuật VAR nhưng họ còn đang mắc mứu nhiều vấn đề. Nếu V-League nhờ vả các công ty Thái Lan thi công kỹ thuật VAR thì cần phải coi lại những thủ tục và kỹ thuật từ đòi hỏi của FIFA.

Cũng cần biết gần đây các công ty thi công sân cỏ và thiết bị cho bóng đá từ Thái Lan đã thâm nhập sang Việt Nam rất mạnh. Thậm chí có những sân như sân Thống Nhất họ sẵn sàng “chào hàng” kiểu làm miễn phí toàn bộ để làm mẫu cho nhiều sân có đội bóng V-League nhưng chưa nâng cấp loại cỏ chỉ. Tất nhiên VAR cũng thế nhưng là hoạt động “nặng đô” hơn, cao cấp hơn với giá trị rất lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm