Để VAR hoạt động là cả một hệ thống lớn chứ không đơn giản như nghĩ là cứ lấy hình ảnh từ camera về là có VAR.
Trước mắt phải có công nghệ, trang thiết bị thử nghiệm, rồi chờ FIFA cấp phép sau khi kiểm tra chạy thử nghiệm...
Ngoài ra còn một vấn đề rất quan trọng đó là tiền để trang bị các thiết bị không phải mua hay đặt hàng ở đâu cũng được. Vì hiện tại trên thế giới chỉ có hai nhà cung cấp thiết bị cho công nghệ VAR.
Nhiều người đang làm bóng đá Việt Nam có suy nghĩ đơn giản là muốn VAR hoạt động thì chỉ cần đường dây nối các tình huống mà truyền hình sản xuất và ghi nhận cho các trọng tài ngồi xem là được. Thực tế thì hệ thống VAR phải sử dụng máy quay chuyên dụng và một hệ thống truyền tín hiệu riêng để sản xuất riêng chương trình cho tổ trọng tài VAR theo dõi các trận đấu và liên lạc với các trọng tài đang làm nhiệm vụ.
Để VAR hoạt động cần phải đủ mọi điều kiện kèm theo bao gồm thiết bị chuyên dùng, con người và giấy phép của FIFA. Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện trên thế giới có hai loại để đầu tư. Một là đầu tư tại sân và hai là đầu tư tập trung (tại World Cup 2018 ở Nga sử dụng dạng này). Việc đầu tư tập trung, các tín hiệu, đường truyền sẽ đưa về “tổng hành dinh” cho tổ trọng tài VAR bao gồm 5-7 người xem xét và phân tích nhanh, sau đó thông báo cho trọng tài ở trên sân. Được biết chi phí đầu tư tập trung ít tốn kém hơn này giá cũng vào khoảng 2-3 triệu USD và hiện Thai-League đang thực hiện theo kiểu đầu tư tập trung này.
Ngoài ra, một chi tiết đáng chú ý là các máy quay chuyên dụng của VAR được đặt ở những góc ghi hình đặc biệt không trùng với máy quay của truyền hình để giúp trọng tài theo dõi một cách chính xác nhất, đặc biệt ở khu vực 16,5 m và ở hai cầu môn.
Cũng cần chú ý là những trọng tài phụ trách ở “tổng hành dinh” của VAR cũng phải được FIFA cấp phép sau khi qua những khóa đào tạo chứ không phải ai là trọng tài cũng có thể ngồi vào phân tích VAR được.