Lễ khai mạc SEA Games 31 tại Hà Nội. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Thông tin sáu VĐV Việt Nam tham dự SEA Games 31, có kết quả dương tính với chất cấm không chỉ chấn động ngành thể thao mà nó còn gây hoang mang với tất cả các VĐV. Dù là những cá nhân liên quan trực tiếp nhưng hiểu biết về kiến thức phòng – chống doping vẫn còn nhiều hạn chế.
Đây không phải là lần đầu tiên, các VĐV Việt Nam liên đới trách nhiệm vì liên quan đến doping. Tính từ SEA Games 2003, lần đầu tiên đại hội tổ chức tại Việt Nam, đã có hơn 20 trường hợp VĐV Việt Nam được ghi nhận dương tính với chất cấm.
Năm 2008, “búp bê” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương, cô bị phát hiện sử dụng chất lợi tiểu tại Olympic Bắc Kinh. Hay á quân cử tạ Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn, anh bị phát hiện sử dụng doping tại giải cử tạ vô địch thế giới 2010 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Anh Tuấn đã trải qua thời gian dài tập huấn tại Bulgaria.
Gần đây nhất vào năm 2019, thể thao Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm hai VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh (vô địch châu Á và SEA Games) và Nguyễn Thị Phương Thanh có kết quả dương tính với chất cấm. Khiến cả hai phải nhận án cấm thi đấu 4 năm cùng mức tiền phạt 5.000 USD từ Liên đoàn cử tạ thế giới.
Trong số sáu trường hợp kể trên, đặc biệt có hai VĐV của môn điền kinh có kết quả dương tính với doping. Được biết, dược chất nằm trong danh mục cấm của WADA (Cơ quan phòng – chống doping quốc tế) mà hai VĐV này sử dụng có tên Furosemida, có trong thuốc lợi tiểu giúp nhanh chóng giảm cân.
Furosemida cũng là dược chất cấm được Ngân Thương sử dụng với mục đích giảm cân nhưng không thông báo với ban huấn luyện, trước khi cô dự tranh Thế vận hội 2008. Hậu quả Ngân Thương bị cấm thi đấu 1 năm, với lý do thiếu kiến thức về phòng - chống doping.
Rất may, “vệt dầu” VĐV Việt Nam dương tính với doping tại SEA Games 31 không loang rộng khi trước thềm đại hội, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam đã chủ động cho xét nghiệm và loại tám VĐV có kết quả dương tính với chất cấm.
Trong số tám trường hợp này, sáu ca đã được xác nhận kết quả, một trường hợp cho kết quả âm tính trước thềm SEA Games 31 diễn ra. Riêng trường hợp còn lại, vẫn đang chờ kết quả cuối cùng của mẫu thử B. Được biết trong số các VĐV này, có cả những nhà vô địch châu á và thế giới vi phạm, dù bộ môn đã nhiều lần quán triệt lẫn cảnh báo về vấn nạn doping.
Trước thềm đại hội TDTT toàn quốc 2022, công tác phòng – chống doping tiếp tục được Tổng cục TDTT đẩy mạnh tuyên truyền. Tuy nhiên, nguy cơ dính doping hiện diện trong các loại thực phẩm chức năng bổ sung, hiện đang được rao bán tràn lan vẫn tiềm tàng nếu các VĐV thản nhiên sử dụng mà không tìm hiểu kỹ thông tin.
Ngoài công tác tuyên truyền, việc phát hiện doping tại Việt Nam gần như bất khả thi bởi khâu trang thiết bị, kinh phí cho việc xét nghiệm vẫn chưa được ngành đầu tư đúng tầm.
Tại Việt Nam, Trung tâm doping và y học thể thao thuộc được Tổng cục TDTT thành lập hơn 10 năm qua nhưng đến nay, mọi mẫu thử đều phải gửi sang Bangkok (Thái Lan) để làm kết quả xét nghiệm.
VĐV Quách Thị Lan (845) giành HCV Asiad 2018 sau khi chân chạy Kemi Adekoya (103) bị phát hiện sử dụng doping. Ảnh: GETTY |
Tính đến tháng 8-2022, Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) thống kê có đến 496 trường hợp VĐV nhận án phạt cấm thi đấu vì dương tính với doping. Trong số này, có 55 VĐV bị cấm thi đấu vĩnh viễn.
Nếu mẫu B cũng cho kết quả dương tính tương tự mẫu A, VĐV đó sẽ phải giải trình về lý do liên quan đến chất cấm. Tùy từng trường hợp, các liên đoàn thể thao sẽ áp dụng án phạt và tước bỏ thành tích, dựa theo mức độ vi phạm của từng VĐV.
Tại Asiad Indonesia 2018, Quách Thị Lan trở thành VĐV điền kinh Việt Nam duy nhất được trao chức vô địch, sau khi chân chạy người Bahrain gốc Nigeria - Kemi Adekoya bị phát hiện sử dụng doping ở cự ly chạy 400m vượt rào nữ. Adekoya đã nhận án cấm thi đấu 4 năm.