(PLO)- Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892, là nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của nước ta.
Nhà thờ Mằng Lăng nằm ở bờ nam hạ lưu sông Cái (sông Kỳ Lộ) thuộc xã An Thạch, cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An , 2 km về phía đông, cách TP Tuy Hòa khoảng 30 km về phía bắc. Nhà thờ Mằng Lăng do người Pháp thiết kế và xây dựng trong 15 năm (1892-1907), theo lối kiến trúc Gothic cổ điển. Nhà thờ được tọa lạc trên khu đất rộng 5.000 m2 , có diện tích xây dựng 920 m2 , diện tích giáo đường 544 m2 , với sức chứa khoảng 500 ghế. Linh mục Joseph Lacassagne, người dân thường gọi là Cố Xuân, là người phát lệnh khởi công xây dựng nhà thờ. Ông cũng là linh mục chánh xứ Mằng Lăng đầu tiên. Về tên gọi nhà thờ Mằng Lăng, theo người dân, trước kia nơi đây là khu rừng già, có một loài cây thân cao, tán rộng, lá bầu dục, hoa được kết thành chùm màu hồng tím, có tên là hoa bằng lăng. Về sau đổi tên thành mằng lăng và tên loài hoa này được đặt cho nhà thờ Mằng Lăng. Hiện nay trong nhà thờ có bàn tròn bằng gỗ đường kính 1,7 m làm từ gốc cây bằng lăng đang được lưu giữ tại đây. Từ giáo đường đến cổng, tường rào, tiểu cảnh... đều có kiến trúc đậm nét châu Âu. Tổng thể nhà thờ được phủ lên một màu xanh xám hòa quyện với màu xanh của vùng sông nước Tam Giang. Trên đỉnh nhà thờ có cây thánh giá ở chính giữa, hai bên là hai lầu chuông cao hơn thánh giá, đây là điểm khác biệt về kiến trúc của nhà thờ Mằng Lăng so với các nhà thờ khác. Hoa văn điêu khắc xuất hiện khắp mọi nơi, từ vách đến các trụ cột nhà thờ. Đây là những nét hoa văn tỉ mỉ tồn tại hơn cả trăm năm. Kiến trúc Gothic xuất hiện trong nhà thờ, thể hiện rõ nhất qua các lối mở tại đại sảnh và hai gian bên dẫn đến thánh đường. Vào trong giáo đường là hai hàng cột, được liên kết bởi các vòm liên hoàn, họa tiết được chạm khắc trên những hàng cột và trần nhà. Ngoài nét đẹp cổ kính, nhà thờ Mằng Lăng còn đang lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Theo Linh mục Phero Trương Minh Thái, Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng, cuốn sách cổ này có tựa đề “phép giảng 8 ngày”, được giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn, sau đó in tại nhà in Vatican rồi mang sang Việt Nam để sử dụng trong các buổi giảng đạo của mình. Nhìn từ trên cao, nhà thờ Mằng Lăng cổ kính đã hòa quyện trong một khung cảnh thanh bình của làng quê yên ả bên dòng sông Kỳ Lộ hiền hòa suốt hơn 130 năm qua. Cùng với các danh thắng Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, di tích Tháp Nhạn, nhà thờ Mằng Lăng từ lâu trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước cũng như nước ngoài mỗi khi đến với Phú Yên. Nếu du khách đến tham quan nơi này trùng dịp lễ noel chắc hẳn sẽ "choáng ngợp" trước vẻ đẹp lộng lẫy của nhà thờ khi được bà con giáo dân trang trí mừng ngày giáng sinh. Vị trí nhà thờ Mằng Lăng ở xã An Thạch, huyện Tuy An, nằm cách TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 30 km về phía bắc. Ảnh: Google Maps. Nhà thờ Mằng Lăng cũng là nơi hành hương vào dịp lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên và thánh lễ cầu cho giới trẻ Công giáo Việt Nam.
Hiện, nơi này vẫn đang giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt. Đây là quyển giáo lý ‘Phép giảng tám ngày” của Linh mục Đắc Lộ (người dân địa phương gọi là cha Đắc Lộ) - người khai đã sinh ra chữ quốc ngữ ở Việt Nam.
Cuốn sách được trưng bày dưới một khu hầm nhỏ trước sân nhà thờ. Khu hầm được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Cuốn sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, sách được in năm vào năm 1651 tại Roma (Ý).