“Các vị trí còn lại sẽ lún nhưng việc có nứt đường hay không thì khó có thể khẳng định. Hy vọng sẽ chỉ lún như tính toán, còn việc bất thường để xảy ra nứt thì hy vọng là không có,” ông Thành cho hay.
Theo ông Thành, ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo Tư vấn giám sát hướng dẫn nhà thầu tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng vết nứt và khoan khảo sát nhằm xác định cụ thể cấu tạo địa tầng khu vực.
Cụ thể, trong giai đoạn này đã khoan 2 mặt cắt tại lý trình Km 83+025 và Km83+050 với tổng số 8 lỗ khoan (vị trí lỗ khoan bổ sung có tham khảo ý kiến các chuyên gia xử lý nền đất yếu và chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước) tại mặt cắt Km83+025 khoan 5 lỗ khoan gồm 03 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m, 57m ; 2 lỗ bên phải cách tim đường lần lượt là 12m và 38m. Tại mặt cắt Km83+050 khoan 3 lỗ khoan gồm 2 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m ; 1 lỗ bên phải cách tim đường 38m.
Kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung cho thấy, tại vị trí Km83+025 (vị trí trung tâm của vết nứt) có sự bất thường về địa tầng, không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%; cấu tạo địa tầng tại vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất bước lập BVTC xử lý đất yếu.
Ngay trong chiều nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp xử lý vết nứt, với sự tham gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học công nghệ, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải, Viện khoa học công nghệ Giao thông vận tải và có những đánh giá nguyên nhân ban đầu là do đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng (không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%) đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường.
"Quan điểm xử lý là phải đảm bảo mục tiêu khai thác liên tục, an toàn tuyến đường đồng thời thi công ngay bệ phản áp để đảm bảo ổn định nền đường với kích thước rộng 20m cao 2,5m (tại mép ngoài bệ phản áp, dốc thoát nước 4%), dài 180m (Km82+950-Km83+130). Quá trình thi công bệ phản áp cần được kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh kịp thời. Căn cứ trên kết quả xử lý, sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đảm bảo ổn định lâu dài nền đường,” ông Thành cho biết.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 10 vị trí lún. Theo nguyên lý tính toán thi công chờ lún từ 6-9 tháng và như vậy 230km còn lại không thể khai thác nếu chờ lún. Do đó, VEC đã cắm biển theo dõi lún đồng thời gia cố tạm để đưa vào khai thác tạm tuyến đường.
“VEC đã chủ động lắp dựng biển thông báo đoạn đường theo dõi đất yếu/lún, quá trình sửa chữa, khắc phục hư hỏng lún nứt tuyến đường mà không hoàn toàn bị động,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Trước đó, như Vietnam+ đã đưa tin, tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai sau khi thông xe ngày 21/9/2014 đã phát hiện có hiện tượng nứt mặt đường. Ngay sau đó, VEC đã chính thức “lên tiếng” về sự việc này trong đó nhấn mạnh đây đều là các đoạn nền đất yếu đang được xử lý kỹ thuật.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện khảo sát, xác định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng nứt mặt đường nêu trên nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và tuổi thọ của công trình.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký Công văn số 12113/BGTVT-CQLCLXD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố vết nứt tại km83 trên mặt đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai trong đó khẳng định, vết nứt mặt đường tương đối lớn là bất thường.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 245km được chia làm 8 gói thầu xây lắp từ A1-A8. Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được điều chỉnh tại quyết định số 3008/QĐ-BGTVT ngày 07/8/2014 của Bộ Giao thông Vận tải là 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1) bao gồm vay ưu đãi ADF (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1,03 tỷ USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng. |
Theo Vietnamplus