Venezuela dẹp nổi loạn, siết chặt quân đội

Sáng 6-8 (giờ địa phương), một nhóm người phản đối chính phủ đã đột nhập vào căn cứ quân sự pháo đài Paramacay ở TP Valencia, Venezuela. Quân chính phủ đã giành chiến thắng sau ba giờ chiến đấu liên tục. Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng đây là một âm mưu nổi loạn.

Căn cứ bị tấn công

Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy hơn 10 đối tượng mặc quân phục và trang bị súng trường đánh vào căn cứ. Trong đoạn video có một người đàn ông tự nhận là Đại úy Juan Caguaripano. Người này cho biết họ là thành viên của bộ phận quân nhân phản đối chính quyền ông Maduro. “Đây không phải là một cuộc đảo chính. Đây là một hành động liên hiệp quân sự-dân sự nhằm khôi phục trật tự hiến pháp” - Juan Caguaripano tuyên bố.

Tổng thống Maduro cho biết khoảng 20 đối tượng đã đột nhập vào căn cứ, bắt giữ những binh sĩ đang trực đêm. Những đối tượng này đã tới được kho vũ khí trước khi bị phát hiện. Quân chính phủ đã tiêu diệt hai kẻ đột nhập, bắn bị thương một người và bắt giữ bảy người khác. Theo hãng tin AFP, 10 người khác đã trốn thoát. “Chúng tôi biết những đối tượng này trốn đi đâu. Quân đội và cảnh sát đều sẽ được triển khai truy lùng” - Tổng thống Maduro cho biết vào ngày 7-8. Ông cũng nói sẽ đề nghị “mức án cao nhất với những đối tượng tham gia vụ khủng bố này”.

Ông Vladimir Padrino Lopez, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, gọi những đối tượng tấn công này là một nhóm “bán quân sự” - đều là thường dân mặc quân phục. Theo ông Padrino Lopez, trong số các đối tượng có một trung úy đã từ chức. Người đàn ông tự nhận là Juan Caguaripano là cựu sĩ quan quân đội bị sa thải ba năm trước vì tội phản quốc.

Nhiều người dân địa phương và những người phản đối chính phủ cũng tập trung quanh căn cứ quân sự này biểu tình. Các cuộc biểu tình khác cũng nổi lên khắp TP Valencia trong cùng ngày. Quân đội đã sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình.

Binh lính Venezuela diễu binh kỷ niệm ngày độc lập tại thủ đô Caracas ngày 5-7 vừa qua. Ảnh: REUTERS

Lo ngại quân đội lung lay?

Các lãnh đạo phe đối lập Venezuela đã từng lên tiếng kêu gọi quân đội về phe chống chính phủ và lật đổ Tổng thống Maduro vì “vi phạm hiến pháp”. Tuy nhiên, theo AFP, ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn của quân đội. Ông và người tiền nhiệm quá cố Hugo Chavez luôn nỗ lực duy trì lòng trung thành của quân đội.

Sau cuộc đảo chính năm 2002, cựu Tổng thống Hugo Chavez đã thực hiện chiến dịch siết chặt nhân sự trung thành trong quân đội với quy mô lớn. Ông đưa các quan chức trung thành lên nắm giữ vị trí quan trọng trong chính phủ. Đến nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Maduro cũng tăng thêm quyền lực của quân đội, cho kiểm soát các lĩnh vực chủ chốt như nhập khẩu lương thực. Ông cũng tăng cường chăm lo cuộc sống binh sĩ.

Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện nhiều biến động trong hàng ngũ quân chính phủ thời gian qua. Theo tờ The Washington Post, đã có ít nhất 106 quân nhân Venezuela bị bắt giữ vì tội nổi loạn, phản quốc kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ tháng 4-2017, một nguồn tin quân đội cho biết.

Khoảng 13 quan chức chính phủ Venezuela đã bị Mỹ cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức này, trong đó có người đứng đầu quân đội và cảnh sát.

Ngày 5-8, cơ quan lập pháp mới của Venezuela đã cách chức công tố viên trưởng Luisa Ortega - nữ quan chức chính phủ phản đối ông Maduro. Theo Reuters, bà Ortega chỉ trích ông Maduro gian lận kết quả bầu cử quốc hội lập hiến. Bà cũng bị chính quyền ông Maduro tuyên bố có “hành vi sai trái nghiêm trọng”.

________________________________

Một cuộc đảo chính ở Venezuela sẽ không giải quyết được vấn đề của nước này mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, làm chia rẽ quân đội, tăng mức độ bạo lực và có nguy cơ xảy ra nội chiến.

IVAN BRISCOE, tổ chức cố vấn chính sách Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới