VFF và Ban trọng tài: Đừng để bình mới rượu cũ

Sau Đại hội VFF khóa VIII bầu ra Ban chấp hành mới, có 2 ủy viên đại diện của giới trọng tài là Dương Văn Hiền và Võ Minh Trí, trong đó ông Hiền được tín nhiệm chức danh Trưởng ban. 

Ông Dương Văn Hiền khi còn cầm còi nay ở vị trí Trưởng Ban Trọng tài. Ảnh: XUÂN HUY

Chọn người tài hay chọn người biếtvâng lời”?

Khối lượng công việc khổng lồ và nhiều mảng việc, nhiệm vụ cần làm nên ít nhất Ban trọng tài VFF cần 5 thành viên. Bởi ngoài người đứng đầu quản lý chung với định hướng và chịu trách nhiệm cao nhất về công tác trọng tài, trong đó có các giải hàng đầu với V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc Gia thì còn cả hệ thống các giải ngoài chuyên nghiệp, các giải trẻ, bóng nữ, Futsal bên cạnh nhiều mảng khác như đào tạo, khen thưởng, kỷ luật.... 

Do ý thức được tầm quan trọng cũng như thực trạng của trọng tài Việt Nam, nên lãnh đạo VFF khóa mới thống nhất phải ưu tiên ổn định và xây dựng lại Ban trọng tài. Đó là lý do ngày 15-1, VFF đã gửi tới các ủy viên Ban chấp hành với yêu cầu lấy ý kiến thẳng thắn, quyết liệt để lựa chọn, bổ sung nhân sự cho Ban trọng tài. 

Theo danh sách đề xuất từ Ban trọng tài lên Thường trực VFF, ba cái tên được bổ sung gồm Đặng Thanh Hạ, Nguyễn Tấn Hiền và Trần Khánh Hưng. Ngoài ra, có thêm 2 người khác được giới thiệu là còi Vàng Võ Quang Vinh và Phó Ban trọng tài Hà Nội, Trương Thế Toàn.  

Ông Trần Khánh Hưng (giữa) và Trương Thế Toàn (phải) khi còn cầm còi. Ảnh: XUÂN HUY

Điều đáng nói là trong ba đề xuất được người trong cuộc trình lên, chỉ có giám sát Đặng Thanh Hạ được đánh giá cao về chuyên môn và tính hợp lý, trong khi Nguyễn Tấn Hiền lẫn Trần Khánh Hưng không nhận được nhiều ủng hộ. Hai nhân vật này được chính giới chuyên môn và giới trọng tài nhận xét là chỉ biết lắng nghe và “vâng lời” chứ chưa biết phản biện và tranh luận dưới góc độ chuyên môn.

Một lý do khá tế nhị, do cả Trưởng ban Dương Văn Hiền và ủy viên Võ Minh Trí đều là người của TP.HCM lại có nhiều điểm khác biệt trong quan điểm nên quan điểm của lãnh đạo VFF là phải có đại diện của nhiều vùng miền, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng và vì sự phát triển chung. Đó là lý do, hai đại diện của khu vực miền Trung và miền Bắc là cựu Còi vàng Võ Quang Vinh cùng ông Trương Thế Toàn được giới thiệu. 

Làm sao để thoátbình mới rượu cũ”? 

Ông Võ Quang Vinh từng nhận còi vàng và được AFC cử làm nhiệm vụ quốc tế.

Với hai lần nhận danh hiệu Còi Vàng năm 2011 và 2012, Võ Quang Vinh là cái tên quen thuộc ở bóng đá Việt Nam, chuyên môn cứng và có uy với giới trọng tài. Ông Vinh còn được tín nhiệm ở vị trí giảng viên thể lực trong các đợt tập huấn sau khi giải nghệ vì chấn thương. 

Trong khi đó, việc giới thiệu cựu trọng tài Trương Thế Toàn được xem là cách ghi nhận, trân trọng những gì Phó Ban trọng tài Hà Nội đóng góp, cống hiến cho công tác trọng tài hơn 10 năm qua. 

Khi còn cầm còi, cầm cờ, trọng tài Trương Thế Toàn từng tham gia điều hành cả Asian Cup 2004 lẫn Olympic Athen Hy Lạp 2004. Được làm nhiệm vụ ở những giải đấu lớn tầm cỡ châu lục rồi thế giới như ông Toàn, cho đến nay trong lịch sử thì chưa trọng tài Việt Nam nào chạm tới.

Ông Toàn nổi tiếng ở bóng đá Việt Nam bởi hai vụ việc, sự cố trọng tài 2005 và trước đó là vụ bị cầu thủ, CĐV Vĩnh Long đuổi đánh. Từng phải trả giá đắt và đánh mất nhiều thứ. Sau khi quay lại ông được ủng hộ của LĐBĐ Hà Nội, Sở VH-TT Hà Nội nắm trách nhiệm điều hành, quản lý mảng trọng tài.

Thực tế ghi nhận, Ban trọng tài Hà Nội hiện nay có lực lượng đông đảo, nhiều gương mặt chất lượng, sáng giá hàng đầu bóng đá Việt Nam. Có đến 10 trọng tài Hà Nội đang làm nhiệm vụ ở V-League và ba trong số đó là trọng tài FIFA gồm Hoàng Ngọc Hà – người nhận danh hiệu Còi Bạc 2018, Trương Đức Chiến và Phan Huy Hoàng (trợ lý). Quan trọng hơn, Hà Nội đang có một lứa trọng tài trẻ được đánh giá cao về năng lực, triển vọng phát triển sau khi được thử thách ở nhiều giải trẻ.

Ông Võ Minh Trí mới nghỉ cầm còi đã tham gia ban chấp hành và định hướng phát triển công tác trọng tài. Ảnh: XUÂN HUY

Không phải vấn đề vùng miền, theo chia sẻ của một quan chức nhiều năm làm công tác trọng tài thì kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và uy tín nghề của ông Toàn mới là cần thiết cho giới trọng tài, nhất là lực lượng trẻ. Đấy là chưa kể, nhiều đồng nghiệp cùng thời với ông giờ đều là giảng viên trọng tài hay quan chức ở Thái Lan, Malaysia, Singapore… cũng như làm quản lý, điều hành trọng tài của AFF, AFC nên rất có lợi cho việc ghi nhận, gây dựng và tạo cơ hội để trọng tài tốt của Việt Nam ra nước ngoài làm nhiệm vụ. 

Nhiều lần bị gạt dù được đề cử, đó là sự bất công với ông Trương Thế Toàn nếu đặt trong so sánh với các quan chức, HLV, cầu thủ từng vướng vào những vụ việc lùm xùm rồi sau đó được trao cơ hội để quay lại cống hiến, đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Thế nên việc có nhiều ý kiến ủng hộ, đánh giá tốt rồi giới thiệu với một chuyên gia cựu trào như thế giống như một thay đổi trong cách nghĩ của những người có trách nhiệm.

Liệu VFF có thay đổi được tình trạng lộng quyền, chi phối và tác động của giới Vua sân cỏ rồi ảnh hưởng đến cả nền bóng đá hay không?

Vấn đề là ngay từ khâu chọn mặt gửi vàng cần phải tránh được nạn bè, nhóm hoặc kéo bè, kéo cánh bằng cách đưa “cấp dưới” chỉ biết nghe và “vâng lời” chứ không phản biện, giúp cho công tác điều hành trọng tài phát triển tốt.

 

18-1, hạn chót để Thường trực VFF quyết định nhân sự ban trọng tài

Ngày 18-1 là hạn chót để lấy ý kiến về việc sắp xếp, bổ sung nhân sự cho Ban trọng tài trước khi Thường trực VFF quyết định. Những vấn đề nhức nhối khiến không chỉ báo chí, khán giả, các đội bóng rồi cả đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp là VPF “kêu cứu” lẫn than phiền cũng như từ nhiều năm qua khiến công tác trọng tài bị xem là vấn nạn lẫn cả nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam không phát triển. Giờ có cơ hội để thay đổi, xử lý rồi tìm ra biện pháp, hướng đi, giờ phụ thuộc vào những người có trách nhiệm nhưng giới chuyên môn đang rất sợ lại trao tay một nhóm hoành hành kiểu “bình mới rượu cũ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm