Phần thưởng cho VFF căn cứ trong hai năm 2016 và 2017 nhờ tổ chức thành công các sự kiện bóng đá quốc tế như giải Futsal châu Á, vòng loại nữ châu Á, vòng loại U-23 châu Á,...
Thật vui vì ghi nhận của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) những phần gánh thay của VFF cho khó khăn của nhiều quốc gia không muốn đăng cai. Mặt khác, đấy là sự tranh thủ của VFF đưa các giải đấu về tạo ưu thế sân nhà cho các đội tuyển tận dụng cơ hội đi sâu hơn.
Ngoài ra, phần thưởng của VFF cũng thừa nhận các đội tuyển trẻ của Việt Nam gặt hái một số thành tích trên trường châu lục. Tiếc là ở cấp đội các đội tuyển quốc gia nam như thước đo chuẩn xác nhất đánh giá chất lượng của một nền bóng đá, VFF chẳng có gì. Tất cả đều thuộc về Thái Lan.
Điều này có nghĩa bóng đá trẻ, futsal Thái Lan không đá World Cup không đồng nghĩa với nền bóng đá của họ yếu hơn Việt Nam và liên đoàn của họ kém hơn VFF. Nên hiểu phần thưởng của AFF có tính chất khích lệ hơn là nhìn vào thành quả đặc biệt của VFF sau hai năm gần nhất.
AFF cũng không biết VFF đang gặp nhiều rắc rối với những ầm ào quanh việc xào xáo nội bộ sau những thất bại của các đội tuyển nam.
Cần biết trong Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, đội tuyển quốc gia nam và U-23 đoạt chức vô địch Đông Nam Á (AFF Cup hoặc SEA Games) 1-2 lần; bóng đá nam đứng trong nhóm sáu quốc gia mạnh khu vực châu Á.
Thời hạn của chiến lược đã sắp cạn, chỉ còn ba năm cho ba chức vô địch của các đội tuyển nam gần như phá sản. Nội bộ VFF sắp hết hai nhiệm kỳ vẫn chưa thỏa mãn chỉ tiêu nào và sắp sửa đại hội nhiệm kỳ VIII đang lâm vào cảnh đấu đá chưa có hồi kết.
Suốt 26 năm qua, VFF mãi đi vào vết xe đổ tìm thầy ngoại cho các đội tuyển quốc gia nhưng không có định hướng và quyết sách đúng đắn. Họ thiếu kiên nhẫn và lạc đường với suy nghĩ có HLV ngoại là có tất cả.
VFF nhận giải thưởng xuất sắc nhất của AFF có gì vui?