Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tối 29-5, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, xác nhận ông vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đường Khánh Hòa với tổng số tiền 3,086 tỉ đồng. Ông Thiên khẳng định đây là số tiền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường cao nhất từ trước đến nay ở Khánh Hòa.
Nước thải chưa qua xử của Nhà máy Đường Khánh Hòa chảy thẳng ra đầm Thủy Triều làm thủy sản nuôi và tự nhiên bị chết hàng loạt. Ảnh: NB
Theo quyết định trên, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có bảy hành vi vi phạm về môi trường. Trong đó, hành vi bị phạt cao nhất 1,24 tỉ đồng là thải lượng nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 600 m3/ngày đến 800 m3/ngày.
Đối với hành vi này, Công ty TNHH Đường Khánh Hòa có hàng loạt tình tiết bị phạt tăng thêm 50-100%.
Hành vi bị phạt 1,116 tỉ đồng là thải lượng nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 400 m3/ngày đến dưới 600 m3/ngày.
Trong hành vi vi này, Công ty có hàng loạt tình tiết bị phạt tăng thêm 30-150%. Các hành vi vi phạm còn lại bị phạt là gây sự cố môi trường bị phạt 300 triệu đồng; không thực hiện những biện pháp thuộc trách nhiệm của mình để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố môi trường bị phạt 200 triệu đồng; không lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường bị phạt 60 triệu đồng; không kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi phát hiện sự cố môi trường bị phạt 10 triệu đồng; không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường (hệ thống xử lý nước thải).
“Theo quy định, vi phạm của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa đến mức buộc phải đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng phát hiện, công ty này đã và đang khắc phục các vi phạm, khắc phục hậu quả.
Mặt khác, nếu đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ trồng mía nên chúng tôi quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền trên.
Hiện UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng kiểm tra liên tục việc khắc phục các vi phạm, hậu quả; đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy. Nếu tái phạm sẽ bị xử lý với mức cao nhất theo quy định”- ông Thiên nói.
Nước thải chưa qua xử lý từ Nhà máy Đường Khánh Hòa chảy thẳng ra đầm Thủy Triều. Ảnh: NB
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, giữa tháng 3-2017, nước thải từ Nhà máy Đường Khánh Hòa của Công ty TNHH Đường Khánh Hòa chảy thẳng ra đầm Thủy Triều thuộc xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm làm thủy sản nuôi và tự nhiên bị chết hàng loạt.
Tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xác định nguyên nhân xuất phát từ hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa bị sự cố, khiến nước thải chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà máy ngưng tất cả hoạt động để khắc phục hậu quả. Sau đó, các hộ nuôi thủy sản trên đầm Thủy Triều bị thiệt hại đồng loạt có đơn yêu cầu Công ty TNHH Đường Khánh Hòa bồi thường.
Hiện UBND huyện Cam Lâm đang xác định thiệt hại để buộc ty này bồi thường cho người nuôi thủy sản.