Thời đại công nghệ số, nhiều gia đình khó cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn. Thậm chí, nguy cơ đổ vỡ hôn nhân ngày càng cao. Tỉ lệ này chiếm nhiều nhất ở những gia đình trẻ.
Vì sao gia đình trẻ ly hôn ngày càng cao? Câu hỏi này được đặt ra tại họp báo giới thiệu chương trình "Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc" với chủ đề Bên nhau, mình là Nhà.
Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Xuân Hiếu, Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đưa ra một lý giải: "Trong gia đình, khi chúng ta không nói chuyện được với nhau, vô tình sẽ tạo ra khoảng cách và những khoảng lặng, lúc đó các thành viên không còn là một nhà, một gia đình nữa, câu chuyện hướng đến việc chia tay, ly hôn".
Điều anh Hiếu nói phản ánh một thực trạng không còn là “xưa nay hiếm” ở các gia đình. Nhất là những gia đình trẻ.
Sự phát triển của công nghệ, sự tham gia của các mạng xã hội đã len lỏi và làm mất kết nối giữa các thành viên trong gia đình.
Anh Nguyễn Thế, một thanh niên hiện đại mô tả lại cuộc sống của gia đình mình mỗi tối thế này: “Con học. Tôi một chiếc điện thoại. Vợ thì ôm ti vi. Mỗi người một không gian. Thỉnh thoảng có chuyện gì đó cần hỏi, vợ tôi thường nhắn tin cho chồng cũng bằng điện thoại từ phòng bên cạnh”.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022 đã có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý.
Anh Nam, một người lập gia đình muộn, khi đã ngấp nghé tuổi về hưu, con anh mới vào đại học. Có lần anh kể: “Bố con tôi vẫn thỉnh thoảng nói chuyện với nhau đấy. Đó là lúc nó hỏi: Bố dạo này thế nào?. Tôi hỏi lại: Mày cần bao nhiêu? Nó nói số tiền và tôi rút ví. Khi tự dưng nó hỏi thăm, tôi biết nó cần tiền. Tôi đẻ ra nó mà”.
Trong chương trình “Mẹ vắng nhà, ba là siêu nhân” có một khoảnh khắc được nhiều người chú ý là bữa cơm của bé Pam và ba Long.
Thông lệ, mỗi khi cô bé ăn cơm thường phải có sự tham gia của đồ chơi hoặc cuốn sách. Nhưng đó là bữa cơm có mẹ. Mẹ vắng nhà, ba Long đã thiết lập một kỷ luật mới: Không sách, không đồ chơi.
Ban đầu kỷ luật này đối với ba Long cũng gian nan, khó để thực hiện, nhưng khó rồi cũng có lúc quen. Lúc đó, bé Pam đã phát hiện ra ở bên tường ngay cạnh bàn anh là những bức ảnh gia đình. Có cả ảnh ba mẹ và bé Pam. Pam chỉ cho ba những bức ảnh, Người cha thì thích thú với khoảnh khắc đó. Thích thú bởi vì những bức ảnh có mặt ở đó từ lâu, nhưng chỉ vì đồ chơi và sách đã cuốn Pam vào thế giới riêng đó của mình mà quên đi những thứ xung quanh, vốn rất gần gũi.
Người lớn trong gia đình cũng không ít trường hợp như vậy. Có cặp vợ chồng chỉ vì nhà mất mạng Internet, điện thoại thì không có 4G, lúc đó họ mới có cuộc trò chuyện rất lâu và thậm chí còn nhận thấy sự thay đổi của nhau như chồng hỏi vợ "Em mới cắt tóc à?" Vợ ngắm và nhận xét chồng: "Tóc anh giờ bạc nhiều nhỉ!".
Thực ra cũng không hoàn toàn đổ lỗi cho công nghệ. Bởi môi trường xung quanh cũng góp phần chi phối đến đời sống hôn nhân của các gia đình trẻ hiện đại.
Guồng quay nhanh của cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền, mối bận tâm về danh tiếng và địa vị kéo những lao động chủ chốt của gia đình vào những cuộc mưu sinh. Sợi dây kết nối các thành viên vốn đã mong manh ngày càng trở nên mong manh hơn, thậm chí đứt gãy.
Có một chuyên gia đánh giá sự mất kết nối này thậm chí hình thành nên những kiểu mẫu lập gia đình hiện nay: Đó là những người trẻ gặp gỡ tìm hiểu lẫn nhau. Họ tò mò và mong muốn khám phá đối tượng mình đang tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Ngoài tìm hiểu qua Facebook, qua đối tượng liên quan, cách dễ nhất là tìm hiểu bằng cách nói chuyện trực tiếp. Đây cũng là cách để trả lời cho câu hỏi: "Cả hai có hợp nhau không. Mức độ của quan hệ này là gì?"
Tuy nhiên, vì giai đoạn chuyển đổi mối quan hệ từ tìm hiểu sang gắn bó và tiến tới hôn nhân diễn ra vội vàng, khiến người trong cuộc chưa đủ chất liệu để hiểu thấu đối phương, cho nên nhu cầu trò chuyện và lắng nghe sẽ tan biến dần qua năm tháng, thay vào đó là những lần cãi vã và trách móc.
"Nếu không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu tâm hồn đối phương, người trẻ cũng sẽ không đủ kiên nhẫn lắng nghe nhau nói, không đủ kiên nhẫn với cả con cái trong đình. Chính điều này gây ra những vết nứt tình cảm giữa các thành viên. Thời đại công nghệ số cũng góp phần khiến cho những gia đình trẻ nóng vội, thiếu kiên nhẫn" - vị chuyên gia này nhận định.
Một trong những sợi dây kết nối hôn nhân và gắn kết một gia đình hạnh phúc, chính là nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu, yêu thương và trân trọng, thông qua việc trò chuyện. Khi mất đi những yếu tố này, nền móng gia đình nhẹ thì lỏng lẻo, nặng thì lung lay và cuối cùng là đổ vỡ.